Nhưng kỳ thực, dù chỉ bảo toàn được lãnh thổ, chính Tào Tháo mới là người được lợi lớn nhất về chung cuộc. Bởi, đó là thời điểm, Tào Ngụy suy yếu nhất kể từ sau trận Xích Bích, trong khi mối đe dọa từ liên minh Thục, Ngô đang lớn dần theo thời gian.
Cục diện “xa luân chiến”
Như đã trình bày, những áp lực liên tiếp về chính trị khiến Tào Tháo phải nghĩ đến việc dời đô khi phòng tuyến Tương - Phàn bị tấn công mạnh. Nhưng không chỉ vậy, sự suy yếu của Tào Ngụy còn đến từ vấn đề quốc lực.
Để lý giải về điều này, cần nhìn lại toàn bộ quá trình từ sau sự kiện Tôn Quyền cho Lưu Bị mượn Giang Lăng:
Thế cục Tam quốc sau chiến dịch Tương Phàn
Năm 213, Tào Tháo đánh Tôn Quyền ở Nhu Tu, Lưu Bị đánh Lưu Chương.
Năm 214, Tào Tháo đánh Tôn Quyền ở Nhu Tu lần hai, Lưu Bị chiếm được đất Xuyên Thục.
Năm 215, Tào Tháo đánh Hán Trung, Tôn Quyền tiến đánh Hợp Phì.
Năm 216, Tào Tháo lại từ Cư Sào tiến đánh Tôn Quyền ở Nhu Tu, Lưu Bị cử Trương Phi, Ngô Lan ra Cố Sơn mưu đánh Hán Trung.
Năm 217-218, Lưu Bị đánh bại Tào Tháo ở Hán Trung.
Năm 219, Quan Vũ tấn công Tương - Phàn.
Không quá khó để nhận ra trong suốt thời gian này hai nhà Tôn - Lưu luôn duy trì một sự phối hợp vô cùng ăn ý: hễ Tào Tháo sang phía Đông đánh Tôn Quyền thì Lưu Bị mở rộng về phía Tây, Tào Tháo sang phía Tây đánh Lưu Bị thì Tôn Quyền tiến công ở phía Đông. Ý đồ của liên minh này quá rõ, hai nhà Ngô, Thục muốn phối hợp theo kiểu “xa luân chiến” khiến cho Tào Ngụy phải kiệt sức.
Và quả thật trong những năm này, Tào Tháo chưa bao giờ giành được thắng lợi trước Tôn - Lưu. Nước Ngụy dù to lớn với tiềm lực vượt trội so với Ngô, Thục, nhưng trường kỳ chinh chiến, kho tàng cũng sắp không thể chịu nổi.
Bởi thế, trong lần cứu viện Tương Phàn đầu tiên, Vu Cấm đem theo 7 cánh quân. Nhưng tiếp sau đó, khi muốn thân chinh cứu viện Tào Nhân, Tào Tháo chỉ có thể huy động được 6 cánh quân. (Do vậy, Hoàn Giai mới khuyên Tháo chỉ tiến quân đến Ma Pha rồi dừng lại để để phô trương thanh thế từ xa).Thêm vào đó, cũng từ những hạn chế về quốc lực, nước cờ hợp tác với Đông Ngô - kẻ thù của Ngụy- được tính tới.
Trong thời khắc đặc biệt ấy, dưới sự khuyên bảo của thuộc hạ, Tào Tháo ý thức rất rõ vấn đề “không có kẻ thù vĩnh viễn” để chuyển sang lôi kéo Đông Ngô. Đáng tiếc, phía Lưu Bị lại thiếu ý thức về mệnh đề “không có đồng minh mãi mãi” nên không lường được sự trở mặt của Đông Ngô và Tôn Quyền.
Bước ngoặt Hợp Phì
Vì sao, Đông Ngô lại bất ngờ có sự trở mặt như vậy?
Do ảnh hưởng của Tam quốc diễn nghĩa quá lớn, hậu thế lầm tưởng rằng Tôn Quyền lúc nào cũng muốn đòi lại Kinh Châu và lấy toàn bộ phần đất của Lưu Bị. Sự thực, vấn đề này đã được giải quyết triệt để sau hiệp ước phân lại Kinh Châu năm 215, khi Ngô toàn quyền quản lý 3 quận Trường Sa, Quế Dương, Giang Hạ. Từ đó trở đi, Tôn Quyền không hề nhắc gì đến việc đòi lại Kinh Châu nữa.
Bởi, với kế hoạch “xoay trục” của Lỗ Túc, Đông Ngô đã nhường lại việc phát triển địa bàn (kèm thêm tấn công Tào Ngụy) ở phía Tây cho Thục. Thay vào đó, học huyển dịch chiến trường sang phía Đông, đánh lên Hợp Phì để mở cửa vào vùng đất màu mỡ vùng Giang Hoài, đồng thời có thể theo sông Hoài tiến vào Hứa Lạc.
Đó là chiến dịch được chuẩn bị vô cùng tỉ mỉ, xuất động hầu hết binh lực và các tướng lĩnh hàng đầu Đông Ngô như Lã Mông, Tưởng Khâm, Cam Ninh, Lăng Thống, Hạ Tề, Phan Chương, Trần Vũ, Tống Khiêm, Từ Thịnh v.v…
Vậy nhưng, dù trong không có nội loạn, ngoài chẳng có chiến sự nhưng trời cao đã không phù hộ Tôn Quyền, khi Đông Ngô phải rút lui sau hơn trăm ngày bao vây cứ điểm này vào năm 215 vì lý do gặp dịch bệnh. (Trong Tam quốc chí, Cam Ninh truyện viết “năm Kiến An thứ hai mươi, theo đi đánh Hợp Phì, đúng lúc có dịch bệnh, quân lữ đều triệt thoái”).
Tôn Quyền đã có một nước đi sai lầm khi đánh úp Kinh châu. Ảnh: phim “Tam quốc diễn nghĩa” 2010.
Thất bại ở Hợp Phì đã đưa câu chuyện về một thực tế:với chiến lược “hướng Đông” của Lỗ Túc, Tôn Quyền vẫn chưa được thêm một tấc đất nào. Trong khi đó, kể từ khi mượn Giang Lăng, lãnh thổ của Lưu Bị càng lúc càng rộng, mở ra lần lượt hết Tây Xuyên lại Đông Xuyên.
Điều này thật sự không phải lỗi của Lưu Bị, chỉ có thể trách Tôn Quyền quả thật vận khí không tốt khi đã bỏ lỡ cơ hội đánh hạ Hợp Phì.Nhưng những thế gia đại tộc của Giang Đông lại không thể chấp nhận thực tế này. Điển hình, Lục Tốn, người ủng hộ tấn công Kinh Châu, chính là đại diện của Lục gia, một trong tứ đại gia tộc Cố-Lục-Chu-Trương của Ngô quận.
Thành bại một nước cờ
Sau thất bại tại Hợp Phì, đến lượt Lỗ Túc qua đời. Sự thực, giai đoạn liên minh Tôn - Lưu tốt đẹp và khiến Tào Tháo khốn đốn nhất chính là khi Lỗ Túc còn sống.Nhưng người thay Lỗ Túc là Lã Mông lại nghĩ khác.
Từ lúc Lỗ Túc lên thay Chu Du, Lã Mông đã luôn chủ trương tiến đánh Quan Vũ. Theo Tam quốc chí, khi Tôn Quyền hỏi về việc đánh Hợp Phì, Lã Mông từng trả lời: Vùng Từ Châu (ý chỉ khu vực Lưỡng Hoài, lối vào là Hợp Phì) binh ít có thể đánh được nhưng nơi đó kỵ binh quân Tào dễ dàng cứu viện, dùng 7-8 vạn người cũng không giữ được, chẳng bằng chiếm lấy Trường Giang.
Như thế, vị đô đốc này căn bản không nghĩ xa đến chuyện xây dựng liên minh Tôn Lưu để tranh thiên hạ cùng Tào Tháo mà trước tiên chỉ muốn ôm lấy thiên hiểm Trường Giang, củng cố phòng tuyến để giữ yên một cõi Giang Đông.
Và khi đại diện của thế gia đại tộc Giang Đông là Lục Tốn, đại biểu cho đám thuộc hạ là Lã Mông đều nhất định muốn cướp lại Kinh Châu, Tôn Quyền đã thuận theo ý kiến này, khi Đông Ngô không có một chiến lược gia có tầm nhìn xa trông rộng như Lỗ Túc để phân tích vấn đề và ủng hộ giải pháp tiếp tục xây dựng liên minh Tôn - Lưu.
Nhìn lại trước đây, Lỗ Túc từng khuyên Tôn Quyền cho Lưu Bị mượn Giang Lăng khiến Tào Tháo “sợ hãi đánh rơi bút”. Nếu còn sống,biết đâu, trong thời điểm Quan Vũ tấn công Tương Phàn, Lỗ Túc sẽ khuyên Tôn Quyền cũng tiến binh ra cửa ngõ Hợp Phì.
Nếu vậy, Tào Tháo sẽ phải đứng ngồi không yên đến mức nào? Và nếu cục diện “xa luân chiến” được hai nhà Tôn - Lưu duy trì thêm vài năm nữa cho tới khi Tào Tháo chết, thiên hạ sẽ biến động ra sao?
Không ai biết được câu trả lời, bởi vì Lỗ Túc đã chết, mà Tôn Quyền cũng đã đi sai một nước cờ. Tham mấy quận Kinh Châu, lựa chọn của người đứng đầu Đông Ngô đã khiến Tào Ngụy có cơ hội thở dốc và vượt qua thời điểm suy yếu nhất, để rồi từ đó dựa vào ưu thế về lãnh thổ và dân số để vượt xa hai nước Ngô, Thục sau này.
Ham ăn quân mà để thất thế, lầm một nước mà hỏng cả ván cờ, những lần Bắc phạt trong vô vọng của cả Thục Hán và Đông Ngô sau này chỉ khiến người ta tiếc hận khôn nguôi về diễn biến của chiến dịch Tương - Phàn.
Hợp Phì chi chiến
Trong Tam quốc diễn nghĩa, ở chiến dịch Hợp Phì, Đông Ngô đại bại vì tài cầm quân lấy ít địch nhiều của Trương Liêu. Thực tế, đây chỉ là trận tập kích khi Đông Ngô triệt thoái vì lý do dịch bệnh.
Trương Liêu đã nhẫn nại và lựa chọn thời cơ cực kỳ chuẩn xác để dồn lực phản công và bao vây đội quân đoạn hậu hơn ngàn người của Đông Ngô, do đích thân Tôn Quyền chỉ huy.
Liều mạng chiến đấu, lại được Hạ Tề mang thuyền tiếp cứu, hầu hết tướng lĩnh Đông Ngô lại an toàn, ngoại trừ toán quân 300 người của Lăng Thống bị tiêu diệt toàn bộ.
|
Trần Tiến (Thể Thao & Văn Hóa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.