Nhiều làng, bản ở một huyện của Cao Bằng chả thấy cột điện đâu, sao nhà dân vẫn phát ra ánh sáng leo lét?

Chiến Hoàng Thứ năm, ngày 21/09/2023 10:50 AM (GMT+7)
Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của nhà nước, việc đầu tư giao thông, điện và trường học ở huyện vùng cao Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) đã được chú ý. Tuy nhiên hiện vẫn có nhiều thôn, bản tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện này chưa có điện lưới quốc gia.
Bình luận 0

Huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đang gặp khó khăn về tiếp cận điện lưới. Clip: Chiến Hoàng

Điện thắp sáng - ước mơ của dân vùng khó

Huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng là một huyện miền núi đặc biệt khó khăn. Người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và những lâm sản phụ từ rừng. Toàn huyện có 16 xã, nhưng đến nay mới chỉ có duy nhất xã Huy Giáp về đích nông thôn mới.

Toàn huyện hiện còn hơn 40 thôn chưa tiếp cận được điện lưới Quốc gia, tỷ lệ sử dụng điện lưới Quốc gia của huyện Bảo Lạc mới đạt hơn 70%. Cá biệt có xã mới chỉ có 35% được sử dụng điện lưới Quốc gia.

Nhiều hội viên nông dân huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) khó tiếp cận thông tin vì… thiếu điện - Ảnh 2.

Một góc xóm Bản Chồi (xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) mật độ dân cư thưa thớt, đây cũng là 1 trong 4 xóm 100% hộ dân chưa có điện lưới Quốc gia của xã. Ảnh: Chiến Hoàng

Để hiểu hơn về cuộc sống của những người dân của huyện miền núi còn nhiều khó khăn này, chúng tôi theo chân anh Quản Văn Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Đình Phùng - xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Lạc, lần đến những thôn "trắng" điện.

Cách Quốc lộ 34 chỉ chừng 5km, xóm Bản Chồi nằm chênh vênh bên những sườn non. Xóm có 90 hộ dân nhưng thật khó để thấy những khu tập trung khoảng 10 nhà trở lên. Mật độ phân bố dân cư rất thưa thớt, ước chừng 3 - 5 nóc nhà trên một quả đồi.

Nhiều hội viên nông dân huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) khó tiếp cận thông tin vì… thiếu điện - Ảnh 3.

Đoạn đường được cho là dễ đi nhất tại xóm Bản Chồi, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chiến Hoàng

Ngày mưa, đường lên Bản Chồi đất đỏ tướp táp, trượt trôi. Chiếc xe máy gằn tiếng một ì ì lần theo vết xe người đi trước mà lần lên đỉnh núi. Dọc đường đi, chúng tôi bắt gặp một số thiết bị phát điện được đặt ở những mương nước.

Nhiều hội viên nông dân huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) khó tiếp cận thông tin vì… thiếu điện - Ảnh 4.

Anh Quan Văn Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Đình Phùng chỉ cho chúng tôi một máy phát điện mini chạy bằng sức nước được người dân xóm Bản Chồi lắp đặt để thắp sáng. Ảnh: Chiến Hoàng

Anh Quản Văn Kim cho biết, người dân trên Bản Chồi khắc phục việc thiếu điện bằng những máy phát điện mini. 

Máy phát điện này chỉ có thể thắp sáng được một bóng điện trong nhà. Việc sử dụng máy phát điện mini rất nguy hiểm do hiểu biết của người dân về điện còn hạn chế. Đường dây thấp, có thể dẫn đến tai nạn cho người và vật nuôi.

Nhà bà Vi Thị Biên - ngôi nhà cao nhất Bản Chồi, hôm nay có khách. Mới chạm chân thang, chúng tôi đã nghe rổn rảng tiếng nói cười vọng xuống, ấy vậy mà lên nhà rồi chỉ nhìn thấp thoáng vài ba bóng người, dù đã cố căng mắt những vẫn không thể rõ mặt do ngôi nhà rất tối.

Trong nhà, lúc này những người đàn ông vẫn đang rót trà, rót rượu mời nhau. Phía trên xà ngang, gần nơi khách ngồi được treo một bóng điện lập lòe như tàn trăng. Chị Biên cười bảo, ngồi lúc quen mắt là nhìn được thôi mà.

Quả thực vậy. Khi đã quen mắt, chúng tôi quan sát ngôi nhà, ngoài đống ngô đổ giữa gian chính thì ngôi nhà hầu như không có gì đáng giá. Có lẽ bởi, những đồ đáng giá đa phần đều liên quan đến điện. Mà nhà chị Biên có điện lưới Quốc gia đâu mà sắm.

Nhiều hội viên nông dân huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) khó tiếp cận thông tin vì… thiếu điện - Ảnh 6.

Một bóng sáng leo lét được thắp từ máy phát điện mini chạy bằng sức nước tại nhà chị Vi Thị Biên, ánh sáng không đủ nhìn rõ mặt người. Ảnh: Chiến Hoàng

Nâng chén rượu mời khách đường xa, chị Biên bảo, trên này thế, không có điện lưới Quốc gia thì vất vả lắm. Những hộ nào có điều kiện chút thì tự mua máy phát điện, còn lại thì phải thắp đèn dầu thôi, nhiều khi không có cả tiền mà mua dầu nữa, vất vả lắm.

"Con cái học hành phải tranh thủ lúc trời còn sáng. Tối gà vào chuồng thì chỉ ngủ chứ không học được bài đâu. Nhà tôi dùng máy phát điện mini, chạy sức nước nhưng cũng chỉ đủ cho một bóng đèn 20W. Người dân Bản Chồi rất mong Nhà nước sớm đầu tư hệ thống điện lưới Quốc gia hoặc có thể có được sự quan, tâm hỗ trợ, tài trợ của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân để xóm Bản Chồi có điện thắp sáng, dù là bóng đèn năng lượng mặt trời thì cũng đã rất tốt rồi" - chị Biên ngậm ngùi nói.

Nhiều hội viên nông dân huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) khó tiếp cận thông tin vì… thiếu điện - Ảnh 7.

Anh Triệu Khì Quấy (xóm Bản Chồi, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) trải lòng về những tốn kém khi sử dụng máy phát điện mini chạy bằng sức nước. Ảnh: Chiến Hoàng

Giống như nhà chị Biên, nhà Triệu Khì Quấy (xóm Bản Chồi, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) cũng tự sắm cho mình một máy phát điện mini chạy bằng sức nước. Quấy cho biết, gia đình mua máy phát điện mini với giá 3,5 triệu đồng.

"Điện thắp từ máy phát điện mini không đủ sáng đâu. Chỉ hơn đèn dầu một chút thôi. Tuổi thọ của máy cũng không cao. Mỗi máy phát điện gia đình tôi chỉ dùng được 3-5 tháng là hỏng. Do chạy bằng sức nước nên điện cũng sáng theo mùa. Mùa nước nhiều thì sáng, mùa ít nước thì chỉ như chiếc đèn dầu. Con cái ngày học hai buổi, tối về là tót đi ngủ vì nhà tối quá không học bài được. Ở chỏm núi này có 30 hộ nhưng cũng chỉ có 10 hộ là có máy phát điện mini thôi đấy" - Quấy cười.

Nỗ lực đưa ánh sáng lên non

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Quan Văn Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Đình Phùng cho biết, hiện nay chỉ mới chỉ có 4/8 xóm của xã Đình Phùng có điện lưới Quốc gia, nhưng cũng chỉ ở những khu vực trung tâm của xóm mới có điện, còn lại vẫn "trắng" điện.

"Việc không có điện ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ảnh hưởng đến cả việc học tập của con em ở những thôn bản chưa có điện. Chính quyền địa phương hiện cũng đang rất tích cực lên phương án khắc phục cho các hộ dân có điện thông qua việc huy động, kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ bóng đèn năng lượng mặt trời cho các thôn, bản vùng cao chưa có điện" - anh Quan Văn Kim cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Đình Phùng, qua vận động, kêu gọi, hiện đã có 50 hộ trong xã được hỗ trợ điện thắp sáng bằng bóng năng lượng mặt trời. Xã vẫn đang tiếp tục vận động, kêu gọi sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân với mong muốn khắc phục được phần nào điện thắp sáng cho người dân trong khi đợi điện lưới Quốc gia lên bản.

"Theo đề án phát triển điện nông thôn của tỉnh Cao Bằng, kế hoạch đến hết năm 2025 sẽ phủ lưới điện Quốc gia cho toàn huyện Bảo Lạc, tuy nhiên việc triển khai hiện còn chậm"- Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc thông tin.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết, khó khăn lớn nhất của huyện Bảo Lạc hiện nay là việc sử dụng điện lưới Quốc gia.

"Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, việc đầu tư cơ sở hạ tầng từ các chương trình 135 trước đó và hiện này là chương trình mục tiêu Quốc gia đã đầu tư giao thông, điện và trường học. Tuy nhiên việc đầu tư có hạn, do địa hình huyện Bảo Lạc phức tạp, địa bàn rộng, dân cư thưa nên đến giữa năm 2023, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia toàn huyện mới đạt 73,9%" - ông Cương cho biết.

Nhiều hội viên nông dân huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) khó tiếp cận thông tin vì… thiếu điện - Ảnh 8.

Ông Hoàng Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng chia sẻ về những khó khăn của huyện. Ảnh: Chiến Hoàng

Theo ông Cương, tình trạng thiếu điện ở huyện Bảo Lạc chủ yếu tập trung ở các xã vùng cao, dân cư thưa thớt do suất đầu tư cho đường dây, trạm hạ thế rất lớn. Điển hình như xã Đình Phùng, mặc dù điều kiện của xã không đến nỗi khó khăn lắm nhưng do địa bàn dân cư thưa thớt nên chưa thể kéo điện tới tất cả các nơi. 

"Việc xây dựng và về đích nông thôn mới của huyện Bảo Lạc cũng gặp khó do thiếu điện. Theo các tiêu chí điều tra hộ nghèo, một hộ chưa có điện đương nhiên sẽ là hộ nghèo. Thiếu điện sẽ thiếu đi khoảng 30 điểm do không thể sử dụng các thiết bị điện, tiếp cận thông tin…", ông Cường nhận định.

Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bảo Lạc hiện vẫn còn 46%. Thu nhập của người dân huyện Bảo Lạc từ nông nghiệp là chính. Thiếu điện ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp cận thông tin của người dân. Không có điện, không có ti vi, thậm chí một số địa bàn không có cả sóng điện thoại... dẫn đến hạn chế việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất, phát triển kinh tế tại địa phương.

Với những khó khăn của một huyện vùng cao như Bảo Lạc, việc phủ kín điện lưới Quốc gia quả thực là một giấc mơ của không ít người dân ở thôn bản. 

Người dân những vùng "trắng" điện của huyện Bảo Lạc đang từng ngày, từng giờ mong ngóng ánh sáng lên non để cuộc sống người dân sớm được đổi thay nhờ tiếp cận thông tin, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất hàng hóa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem