Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Gia đình ông Y Lót, bon Bù Đắk, xã Thuận An (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) vừa mới xuống giống 3 sào cà phê. Trước đó, gia đình đã chuẩn bị đất kỹ càng, nguồn phân bón hữu cơ để bón lót.
Theo ông Y Lót, hiện cây cà phê đã bén rễ. Tranh thủ những ngày mưa nhiều, độ ẩm cao, ông bón thêm một ít phân tổng hợp cho cây phát triển.
Mùa mưa này, gia đình ông Phan Đức Phú, thôn 4, xã Nâm N’jang (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), trồng xen trong vườn cà phê, tiêu gần 100 cây sầu riêng. Theo ông Phú, trong bối cảnh hiện nay, việc đầu tư trồng sầu riêng có chi phí đầu vào cao. Từ cây giống, phân bón đều cao gần gấp đôi so với mọi năm.
Nhưng ông cho rằng, việc Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc thì thị trường tiêu thụ thời gian tới sẽ rộng mở hơn. Do đó, ông trồng xen sầu riêng vào vườn cây nhằm tăng thu nhập cho gia đình.
Ghi nhận từ cơ quan chuyên môn các địa phương, so với mùa mưa 3 năm gần đây, năm 2023, Đắk Nông có sự biến động khá lớn trong cơ cấu cây trồng lâu năm.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết, mùa mưa số lượng nông dân trồng sầu riêng, cà phê tăng lên. Sự biến động đến thời điểm cuối tháng 7 chưa quá lớn, vẫn trong tầm kiểm soát.
Năm 2023, Đắk Nông đã trồng mới 1.273 ha cây lâu năm. Trong đó, cà phê 158,6 ha; hồ tiêu 16,4 ha; mắc ca 975,2 ha; điều 17,4 ha; cây ăn quả 105,4 ha. Diện tích cây lâu năm trồng mới phân bổ lớn tại các địa bàn như: Đắk R'lấp, Đắk Song, Cư Jút, Gia Nghĩa, Tuy Đức...
Nông dân Đắk Nông trồng mới cây lâu năm trên những diện tích đất phù hợp
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN- PTNT, nông dân không nên ồ ạt chuyển đổi cây lâu năm theo kiểu phong trào. Bởi như thế sẽ dẫn đến việc dư hàng, dội chợ, được mùa mất giá.
Thậm chí, nếu bà con đồng loạt trồng cây lâu năm với diện tích lớn dễ dẫn đến hậu quả về dịch bệnh, cây kém phát triển do chưa bảo đảm các yếu tố về kỹ thuật, chất lượng giống.
Nhà nông chú ý bảo đảm chất lượng cây giống với nguồn gốc rõ ràng. Bà con chỉ nên thực hiện việc chuyển đổi cây trồng khi già cỗi, sâu bệnh, hiệu quả thấp. Việc chuyển đổi cây trồng mới cần thực hiện ở những chân đất phù hợp theo đúng định hướng của UBND tỉnh Đắk Nông.
Cụ thể, Đắk Nông có hơn 21.700 ha cây lâu năm sản xuất ở những vùng không thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu thì cần chuyển đổi. Trong đó, có 17.623 ha cà phê và hồ tiêu; 1.033 ha điều; 3.019 ha cao su.
Giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030, Đắk Nông sẽ tiến hành chuyển đổi cây trồng trên diện tích hơn 8.500 ha. Trong đó, chuyển đổi 6.252 ha cà phê, 950 ha hồ tiêu, 291 ha điều và 1.041 ha cao su.
Diên tích cần chuyển đổi đều nằm ở các vùng kém hiệu quả, không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước tưới. Các loại cây trồng được định hướng chuyển đổi gồm: cây sầu riêng, cây cam, cây quýt, cây bưởi, cây mắc ca, cây ca cao, hồ tiêu, cà phê…
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, ngành Nông nghiệp mong muốn bà con trồng mới cây lâu năm cần theo định hướng thị trường gắn với các hoạt động tổ chức lại sản xuất, liên kết, chuẩn hóa quy trình từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến. Từ đó, bà con có thể nâng cao giá trị sản phẩm bền vững, tránh việc chạy theo bề nổi của thị trường.
Hiện nay, các ngành liên quan, các địa phương đang tích cực phối hợp nhằm hỗ trợ nhà nông, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng các chuỗi liên kết, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông sản chủ lực, thế mạnh của Đắk Nông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.