Một trưởng làng của Thái Lan đến Đồng Tháp chia sẻ kinh nghiệm 20 năm trồng lúa hữu cơ, "sống chung" với sếu
Một trưởng làng của Thái Lan đến Đồng Tháp chia sẻ kinh nghiệm 20 năm trồng lúa hữu cơ, "sống chung" với sếu
Thứ bảy, ngày 21/12/2024 10:20 AM (GMT+7)
Đoàn nông dân tỉnh Buriam (Thái Lan) vừa có chuyến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhóm nông dân sản xuất lúa hữu cơ, nông nghiệp sinh thái tại vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp). Tại đây, một trưởng làng của Thái Lan đã chia sẻ kinh nghiệm làm lúa hữu cơ trong 20 năm qua.
Cùng với việc hướng dẫn tạo hình sếu đầu đỏ từ rơm cho nghệ nhân huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, vừa qua, đoàn nông dân và nghệ nhân tỉnh Buriram (Thái Lan) có buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhóm nông dân sản xuất lúa hữu cơ, nông nghiệp sinh thái và du lịch sinh thái xung quanh vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim, thuộc huyện Tam Nông.
Trong buổi giao lưu, ông Thongpoon Aunjit - Trưởng làng Swai So, đã trình bày kinh nghiệm làm lúa hữu cơ của dân làng trong 20 năm qua và việc dân làng đã chăm sóc đàn sếu tái thả của Thái Lan hiện đang sinh sống trong ruộng lúa của khu vực.
Theo ông Thongpoon, việc phát triển lúa hữu cơ ở tỉnh Buriram đã trải qua 3 giai đoạn và được tiến hành dần dần từng bước. Nhà nước Thái Lan đã hỗ trợ nông dân rất nhiều trong giai đoạn đầu, bao gồm cả đầu tư trang thiết bị và tập huấn cách sản xuất.
Mấu chốt của thành công, theo ông Thongpoon đó là việc chọn các giống lúa bản địa có khả năng chống chịu sâu bệnh và cho hạt gạo chất lượng cao. Ông còn cho biết, lợi nhuận của nông dân Buriram không chỉ thu từ hạt lúa mà còn nhiều nguồn khác, kể cả du lịch nông thôn.
Kể từ khi đàn sếu tái thả chọn các vùng lúa hữu cơ làm nơi sinh sống, người dân làng Swai So lại còn có thêm nhiều lợi ích khác do đàn sếu mang lại như lượng du khách tăng lên cùng với sự quan tâm của toàn xã hội.
Đại diện nông dân Tam Nông đã hào hứng tham gia giao lưu và nêu lên nhiều câu hỏi cụ thể về tổ chức sản xuất như cách chuẩn bị đất, làm phân bón hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh cho lúa, tiêu thụ sản phẩm, lợi nhuận thu được. Các câu hỏi đều được đại diện nông dân Buriram trả lời rất thẳng thắn và chân thành.
Có một câu hỏi rất thú vị từ nông dân Tam Nông: “Làm cách nào dụ sếu về làm tổ sinh sản trên cánh đồng của mình?” Ông Thongpoon bồi hồi nhớ lại cặp sếu đầu tiên bay đến ruộng của ông. Cặp sếu nhìn vợ chồng ông, vợ chồng ông nhìn cặp sếu. Hai bên như nhận ra được sợi dây liên hệ. Kể từ đó hàng năm cặp sếu đều quay trở lại làm tổ trên đám ruộng của gia đình. Ông Thongpoon tin rằng, nếu con người yêu thương sếu thì sếu cũng sẽ gắn bó với người.
Được biết, đây là một trong những hoạt động chào mừng Chương trình công bố Đề án Bảo tồn và phát triển đàn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc Tràm Chim, sẽ diễn ra vào ngày 12/12/2024.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.