Đà Nẵng: Nông nghiệp đô thị là xu hướng tất yếu, cải thiện an ninh lương thực, bảo vệ môi trường
Đà Nẵng: Nông nghiệp đô thị là xu hướng tất yếu, cải thiện an ninh lương thực, bảo vệ môi trường
Tuyết Nhung - Trần Hậu
Thứ bảy, ngày 21/12/2024 09:01 AM (GMT+7)
Ngày 20/12, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, nông dân tiêu biểu....
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Văn Hồng – Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng cho biết: "Nông nghiệp đô thị là một xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới trong những năm gần đây và cũng đang ngày càng được chú trọng tại Việt Nam. Đà Nẵng là một thành phố ven biển với vị trí địa lý thuận lợi và nền kinh tế phát triển, có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển nông nghiệp đô thị.
Các mô hình nông nghiệp đô thị không chỉ giúp cung cấp thực phẩm sạch cho người dân thành phố, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng sống và tạo ra giá trị kinh tế bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp đô thị cũng đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, Hội thảo hôm nay sẽ là một diễn đàn quý giá để chúng ta cùng thảo luận về các khó khăn, giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị tại Đà Nẵng...".
Báo cáo thực trạng phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn, bà Ngô Thị Thu Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng cho hay, Đà Nẵng có vị trí địa lý và khí hậu phù hợp cho nhiều loại cây trồng và là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung nên rất thuận lợi trong việc giao thương, phân phối nông sản đến các tỉnh lân cận và quốc tế.
Chính quyền Đà Nẵng định hướng phát triển thành phố xanh, bền vững, trong đó nông nghiệp đô thị là một phần quan trọng. Địa phương có nhiều chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị. Người dân ngày càng ưu tiên sử dụng thực phẩm sạch, an toàn và có nguồn gốc rõ ràng. Các sản phẩm tạo ra từ nông nghiệp đô thị có chất lượng và nguồn gốc đảm bảo sẽ luôn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Bên cạnh những thuận lợi, phát triển nông nghiệp đô thị tại Đà Nẵng còn gặp nhiều khó khăn do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, diện tích đất dành cho nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể, đất đô thị có giá trị cao, khó khăn cho việc đầu tư vào các mô hình nông nghiệp quy mô lớn.
Thêm vào đó là sự thiếu hụt nhân lực có trình độ trong lĩnh vực nông nghiệp; nhiều hộ gia đình chưa được tiếp cận với các kỹ thuật canh tác hiện đại, dẫn đến năng suất chưa cao; rủi ro lớn do thiên tai. Đặc biệt là chi phí đầu tư vào các công nghệ như: nhà màng, thủy canh, khí canh, hệ thống tưới tự động... còn cao nên nhiều hộ chưa dám mạnh dạn đầu tư để phát triển.
TS. Hoàng Văn Long – Đại diện Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cho hay, thực hiện Chương trình số 42-CTr/TU ngày 05/02/2020 về triển khai thực hiện chuyên đề "Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới", thành phố Đà Nẵng đã xây dựng hơn 20 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nấm, rau, hoa, cây ăn quả (25ha); hình thành hơn 20 vùng lúa theo hướng hữu cơ; hơn 40ha rau, củ, quả được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ; hình thành 4 vùng chuyên canh trồng hoa (22ha); vùng trồng bưởi da xanh Hòa Ninh (10ha); vùng trồng mía Hòa Bắc (70ha)....
Đồng thời hỗ trợ hơn 30 sản phẩm nông nghiệp xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, có 14/40 sản phẩm OCOP lĩnh vực trồng trọt, chiếm 35% tổng số sản phẩm OCOP của thành phố, như: rau an toàn Túy Loan, dưa lưới Afarm, bưởi Hòa Ninh, kiệu hương Hòa Nhơn, các sản phẩm từ nấm, tảo xoắn nguyên chất sấy lạnh.
Ông Long đề xuất một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như: hỗ trợ tài chính và tín dụng; hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo; khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp đô thị, cận đô thị; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị, cận đô thị gắn với phát triển du lịch; chính sách bảo vệ môi trường....
Theo TS. Đặng Ngọc Minh – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng, nông nghiệp đô thị và cận đô thị đang trở thành xu hướng toàn cầu, cung cấp giải pháp sáng tạo cho vấn đề an ninh lương thực và bền vững môi trường.
Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng cam kết tiếp tục đồng hành và triển khai các giải pháp sáng tạo nhằm thúc đẩy lĩnh vực này tại địa phương. Đặc biệt là chú trọng giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ thủy canh, khí canh, IoT và trí tuệ nhân tạo trong sản xuất; hợp tác với các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế để chuyển giao công nghệ tiên tiến, phù hợp....
Thông qua Hội thảo, nhiều giải pháp được các đại biểu đề ra để tối ưu hóa việc sử dụng đất đai, thúc đẩy sự kết nối giữa các khu vực nông thôn và thành thị, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và các doanh nghiệp vào quá trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.