|
Ngày càng có nhiều trẻ em của xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc bỏ học vào miền Nam làm thuê . |
Dây trói nợ nần
Anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Hiền Hòa, xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) có hai đứa con gái 13 và 14 tuổi vào TP. HCM làm thuê cho một xưởng may tư nhân đã 2 năm nay. Khi nghe tin nhiều đứa trẻ trên địa bàn vào làm thuê ở TP. HCM bị bóc lột sức lao động và bị hành hạ, anh Hùng đã vay tiền bắt xe vào nơi con làm việc. Nhưng khi vào tới nơi thì chủ xưởng may chỉ cho cha con họ gặp nhau… 15 phút. Tại đây, khi được trực tiếp nghe lời kể của 2 đứa con tội nghiệp, anh Hùng đã bật khóc và ân hận vì mình đã đẩy con cái vào con đường khổ ải chỉ vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.
Anh Hùng xin chủ xưởng may cho đưa con về nhà nhưng không được đồng ý bởi gia đình anh đã ứng trước của chủ này hơn 20 triệu đồng. Vì vậy, 2 đứa con của anh phải tiếp tục làm việc thêm ít nhất 3 năm nữa mới trừ hết tiền đã ứng. Đó là chưa kể mỗi năm để có tiền đong gạo khi nghề chài lưới thất bát, vợ chồng anh Hùng còn ứng thêm mấy triệu đồng tiền công của con, nên số tiền nợ theo thời gian ngày càng đội lên.
Gia đình chị Ngô Thị Phương ở cạnh bên thì không nợ chủ xưởng may nơi đứa con trai 13 tuổi đang làm việc nhưng lại nợ các chủ nợ ở quê nhà. Vì vậy, đứa con trai của chị cũng không biết bao giờ mới được trở về nhà vì tiền công của em thì ít mà nợ thì “đẻ” nhanh và nhiều. “Mỗi năm chủ trả cho nó 5 triệu, nó gửi về nhà thì gia đình tiêu hết 3 triệu, còn 2 triệu để trả nợ. Đà này thì phải 10 năm nữa mới trả xong nợ”- chị Phương kể sau khi bấm ngón tay nhẩm tính khoản tiền nợ của gia đình.
Ở các xã Lộc Điền (Phú Lộc), Phú Diên (Phú Vang), chính quyền từng cử cán bộ phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh vào TP.HCM đưa trẻ em bị bóc lột sức lao động của địa phương trở về. Tuy nhiên, số trẻ đưa về được vẫn còn rất ít bởi sự bất hợp tác của các chủ xưởng may và do gia đình các cháu còn nặng nợ. Ông Hoàng Sa- Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Điền- người nhiều lần vào TP. HCM đưa trẻ em về quê cho biết: “Vào đó, được tận mắt chứng kiến tình trạng các em bị bóc lột sức lao động trong khi môi trường làm việc độc hại chúng tôi không cầm được nước mắt”.
Theo ông Sa, dù biết rõ địa chỉ nơi trẻ em của xã đang lao động nhưng khi đến nơi thì chủ các cơ sở này chối bay rằng cơ sở mình không có lao động nào là trẻ em hoặc không cho gặp. Các cán bộ nói chuyện bằng luật thì các chủ này cho rằng vì gia đình các em đang nợ quá nhiều tiền nên không thể để các em về. “Sự bất hợp tác này khiến chúng tôi bó tay mặc dù rất thương các em”- anh Sa nói.
Không thoát vòng luẩn quẩn
Trong khi hàng loạt đứa trẻ bị bóc lộc sức lao động và bị hành hạ mòn mỏi mong được trở về thì không ít đứa trẻ sau khi trở về lại phải ra đi. Ông Ngô Đức Thoại - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), người tham gia chương trình đưa trẻ em lao động sớm trên địa bàn hồi hương cho biết, trong năm qua đã có 29 trẻ em thuộc diện này được đưa về, chủ yếu ở thôn Hải Tiến.
Hàng xóm nhà Ten cho biết, Ten về nhà được vài ngày thì bị bố mẹ đuổi đi để kiếm tiền gửi về, mặc dù kinh tế của gia đình Ten không đến nỗi ngặt nghèo. Ten năn nỉ cha mẹ xin được ở lại thì được đáp trả bằng những trận đòn nhừ tử.
Sau khi trở về, những em này được hỗ trợ một số điều kiện để tiếp tục đến lớp, nhưng đến nay nhiều em đã trở lại TP. HCM để tiếp tục làm việc cho những xưởng may đã từng hành hạ và bóc lột sức lao động của mình. “Chẳng em nào muốn thế cả nhưng do các em phải kiếm tiền để nuôi gia đình nên đành chấp nhận tủi nhục”- ông Thoại cho biết.
Theo lời chỉ dẫn của ông Thoại, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Mai ở thôn Hải Tiến. Em Trần Văn Đô, con chị Mai, sau khi học đến lớp 4 thì bỏ học vào TP.HCM làm thuê. Sau đó, Đô được chính quyền đưa về quê để tiếp tục đến trường. Vậy nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Đô lại bỏ học để vào lại TP. HCM làm thuê. Chị Mai thành thật: “Hắn mà không đi làm thì cả nhà đói, hơn nữa muốn đi học cũng không có tiền”.
Với em Nguyễn Văn Ten ở thôn Trung Hưng, xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc), việc em phải trở lại TP. HCM mưu sinh (sau khi trốn xưởng may về quê vì không chịu nổi sự hành hạ) là do sức ép từ phía gia đình. Với Ten, ước mơ được trở lại quê hương sống quãng ngày tuổi thơ và được đến trường ngày càng xa vời.
Theo tìm hiểu của NTNN, Thừa Thiên- Huế đã có một số dự án hỗ trợ đưa trẻ em đi lao động sớm trở về gia đình, tuy nhiên hiệu quả của các dự án này vẫn chưa như mong đợi. Nguyên nhân là do các dự án mới chỉ quan tâm đến việc đưa các em về quê mà chưa quan tâm đến hoạt động cho vay vốn và hỗ trợ các điều kiện khác để gia đình các em phát triển kinh tế.
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.