Mua bán thận với giá 300 triệu đồng, ăn hoa hồng 50%

Thứ bảy, ngày 16/01/2016 08:37 AM (GMT+7)
Chỉ là lái xe taxi nhưng Hiệp đứng ra môi giới mua, bán thận với giá 300 triệu đồng, làm giả toàn bộ hồ sơ giấy tờ đưa vào bệnh viện chờ ghép thận.
Bình luận 0

Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội, vừa kết thúc điều tra một đường dây mua bán thận với giá 300 triệu đồng và làm, sử dụng giấy tờ giả để lừa dối cơ quan y tế trong việc ghép thận.

Kết luận điều tra đề nghị truy tố bị can Trần Văn Hiệp (45 tuổi, trú tại đường Âu Cơ, quận Tây Hồ) về hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Chi 300 triệu đồng mua thận

Hành nghề lái xe taxi tại khu vực cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, biết nhiều người có nhu cầu ghép thận, hiến thận nên Hiệp đã thực hiện việc môi giới ghép thận. Y là mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán nội tạng người xuyên quốc gia.

Đáng chú ý, Hiệp là mắt xích liên quan đến các ông trùm buôn bán nội tạng như Chánh (quê ở Quảng Trị), Dũng “trọc” - bị can vừa bị Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an, bắt trong một phi vụ buôn bán thận khác.

Kết luận điều tra nêu rõ vào khoảng tháng 3.2015, Hiệp được bà N.T.X (quê quán tại Nam Định) nhờ tìm người hiến thận ghép cho con trai. Hiệp đồng ý và đã đến nhà lấy các chỉ số tiêu chuẩn thận của con trai bà X.

Hai bên cũng đã thỏa thuận nếu tìm được người hiến thận thì gia đình bà X phải chi 300 triệu đồng cho Hiệp gồm công môi giới và chi trả người bán thận. Chi phí để ghép thận gia đình bà X phải chịu.

Quá trình tìm kiếm người ghép thận, Hiệp đã thông qua Chánh nhờ tìm kiếm người hiến thận. Sau khoảng 1 tuần, Chánh giới thiệu cho Hiệp trường hợp anh Trần Văn K (trú tại Phú Thọ) đang có nhu cầu bán thận do gặp khó khăn về kinh tế. Hai bên thỏa thuận trực tiếp, thống nhất giá mua bán thận là 150 triệu đồng.

Theo lịch hẹn, anh K xuống Hà Nội, được Hiệp đưa đến phòng khám làm các xét nghiệm, lấy chỉ số ban đầu thông báo cho bà X về việc đã tìm được người bán thận. Tiếp đó, Hiệp đưa anh K đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức làm các thủ tục kiểm tra và nhận 50 triệu đồng từ gia đình bà X.

Thuê người đóng vai mẹ nuôi bảo lãnh bán thận

Theo quy định của pháp luật và của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khi hiến thận để mổ ghép thận cần phải có người thân bên gia đình người hiến đồng ý ký xác nhận. Do K giấu người nhà việc đi bán thận nên phải hợp thức hóa bằng cách làm hồ sơ giả.

Hiệp đã thuê một người đóng giả mẹ nuôi cho K với giá 3 triệu đồng, thống nhất thông tin khai báo khi bệnh viện phỏng vấn. Hiệp yêu cầu anh K và mẹ nuôi hờ cung cấp ảnh, các giấy tờ liên quan để làm giấy tờ giả.

Toàn bộ hồ sơ giả gồm các giấy tờ nhân thân được Hiệp thuê một bệnh nhân chạy thận tại Viện 103 làm giả, sau đó đưa bà X nộp vào bệnh viện để chờ phỏng vấn. Trong thời gian tiếp tục làm các thủ tục kiểm tra về độ phù hợp giữa người hiến và người nhận thận, chờ sắp xếp thời gian thực hiện ca ghép thận thì vụ việc bị Công an Hà Nội phát hiện.

img

Những người bán thận trong một đường dây mua bán nội tạng người đang chờ đến lượt. Ảnh: Tuổi Trẻ

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã xác minh toàn bộ các hồ sơ về việc hiến, ghép thận của anh K và con trai bà X, xác định toàn bộ số giấy tờ này đều được làm giả một cách tinh vi nhằm qua mặt cơ quan chức năng trong việc giải quyết hồ sơ ghép thận.

Do đó, cơ quan điều tra đề nghị truy tố Trần Văn Hiệp về hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Đối với các cá nhân liên quan đến vụ án này, cơ quan điều tra xác định không cần thiết phải xử lý hình sự.

Theo đánh giá của cơ quan công an, hoạt động mua bán nội tạng người là loại tội phạm mới, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Những kẻ này vì lợi nhuận đã dùng nhiều thủ đoạn tàn độc, coi thường pháp luật nhưng chưa bị trừng phạt. Công an đề nghị xử lý nghiêm hành vi của các cá nhân liên quan đến việc mua bán nội tạng người.

Hàng trăm nghìn người có nhu cầu ghép mô, tạng

Theo Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể, Bộ Y tế, nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam hiện nay rất lớn với khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...

Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não.

Việc ghép mô, tạng là món quà vô giá, quà tặng hồi sinh cuộc sống cho những người bệnh, là niềm vui, hạnh phúc cho gia đình người bệnh nói riêng và còn là sự giảm gánh nặng cho cộng đồng, xã hội và ngành y tế. Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người là đơn vị có nhiệm vụ chính trong việc điều phối việc lấy, ghép mô, tạng để cứu chữa người bệnh theo đúng quy định của pháp luật và đạo đức.

Minh Quang - Hà Quyên (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem