Mưa đá, dông lốc ngày mùng 1 Tết không phải hiện tượng bất thường

Khánh Nguyên Chủ nhật, ngày 26/01/2020 19:46 PM (GMT+7)
Đêm 30, sáng ngày mùng 1 Tết Canh Tý, ở nhiều tỉnh phía Bắc đã xảy ra mưa đá, dông lốc, nhiều người cho biết, đây là hiện tượng hiếm gặp trong rất nhiều năm trở lại đây. Theo lý giải của các chuyên gia, đây không phải hiện tượng bất thường, chỉ là vì không khí lạnh tràn về đúng ngày 30 Tết.
Bình luận 0

Nói về hiện tượng mưa đá, dông lốc chiều 30, ngày mùng 1 Tết, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cũng cho biết: "Tôi năm nay 67 tuổi, theo trí nhớ của tôi thì 52 năm qua chưa hề gặp hiện tượng này, năm 1985 có mưa rào, sấm nhưng mưa đá thì không".

Ông Triệu Văn Thành ở xã Cao Phong (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc), năm nay đã gần 70 tuổi cho biết, chưa bao giờ ông gặp hiện tượng mưa rào, dông lốc như mùa hè vào đúng chiều 30 và sáng mùng 1 Tết. 

Trong khi đó, anh Lăng Văn Chí ở xã Xuân Hòa (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho rằng, mưa lớn khiến nhiều nhà bị thiệt hại nhưng xét ở một góc độ nào đó, thì cơn mưa này rất quý giá trong thời điểm nhiều tỉnh thành đang thiếu nước phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân.

"Địa phương tôi vừa xuống giống lúa đông xuân, nhiều diện tích thanh long cũng đang cần nước tưới nên cơn mưa đầu năm sẽ giúp giải tỏa cơn khát này" - anh Chí nói.

img

Mưa đá xuất hiện ở nhiều nơi ngay trong ngày mùng 1 Tết. Ảnh: I.T

Trong khi đó, theo quan niệm dân gian, ngày đầu năm mới hoặc ngày đầu tháng nếu gặp trời mưa bóng mây hoặc mưa rào không có nắng thì đó là dấu hiệu của sự may mắn. Theo đó, người Việt xưa tin rằng, sự xuất hiện đồng thời của mặt trời và mưa là một dấu hiệu thực sự rất tốt. 

Trong khi đó, giới kinh doanh thì cho rằng,  ngày mùng 1 Tết có mưa là dấu hiệu của sự tươi tốt, vạn sự như ý.

Nhưng theo các chuyên gia ngành khí tượng thủy văn, thì đây không phải là hiện tượng bất thường. Theo ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, có 3 nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mưa rào trong đêm giao thừa (30 Tết) và ngày mùng 1 Tết ở miền Bắc.

Cụ thể, do ảnh hưởng của không khí lạnh; từ 21/1, nhiệt độ ở khu vực Hà Nội tăng cao phổ biến 27-28 độ C, có nơi 29 độ C, mấy ngày gần đây không khí lạnh tràn về nên có sự chênh lệch về nhiệt độ gây ra thời tiết thay đổi nhanh; vài ngày trước đêm 30 Tết có hiện tượng trời nồm nên độ ẩm lớn.

"Ba yếu tố này nên gây ra hiện tượng mưa rào ở miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội vào đêm 30 Tết và ngày mùng 1 Tết.  Đây không phải là hiện tượng bất thường" - ông Lâm giải thích.

Ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết thêm, hiện tượng mưa rào sấm chớp xảy ra do không khí lạnh tràn về có tính chất ẩm, gây ra hiện tượng mây đối lưu phát triển mưa giông.

"Tuy nhiên, đây không phải hiện tượng bất thường, chỉ là 30 Tết trùng với thời điểm không khí lạnh bắt đầu tràn về", ông Năng thông tin.

Các chuyên gia khí tượng cho rằng người dân không nên cố gắng lý giải hiện tượng này theo suy nghĩ "30 Tết xảy ra mưa rào, sấm chớp chưa từng thấy hoặc báo hiệu một điềm gì đó" mà nên hiểu đơn giản chỉ là do không khí lạnh tác động gây mưa rào ở miền Bắc trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp nên gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem