Mưa đến sớm ở Tây Nguyên, miền Trung: Người cười, kẻ khóc...

Thứ sáu, ngày 03/05/2013 08:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau nhiều tháng chống chọi với cơn hạn khốc liệt, người dân Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi bắt đầu xuất hiện những cơn mưa. Nhưng, mưa lớn cũng làm nhiều hộ dân khốn đốn...
Bình luận 0

“Đỉnh hạn” bớt căng thẳng

img
Mưa giải hạn đã làm cho nhiều diện tích lạc trên địa bàn tỉnh Quảng Nam lên mộng, nhiều nông dân có nguy cơ thất thu mùa lạc.

Liên tục những ngày cuối tháng 4, tại Đăk Lăk - vùng “đỉnh hạn” của Tây Nguyên, nhiều trận mưa lớn đã xuất hiện tại hầu hết các địa phương. Nơi có lượng mưa thấp nhất cũng đã đạt được 80ml/đợt mưa. Tại các huyện Cư Kuin, Krông Năng, Ea Hleo, Krông Buk và MĐrăk, thị xã Buôn Hồ và TP.Buôn Ma Thuột, mưa đã cung cấp nước đảm bảo đủ phục vụ sản xuất. Nhiều nơi lượng nước mạch đã bắt đầu nâng dần lên.

Tại các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Cư MGar, Krông Bông, tuy lượng mưa thấp hơn nhưng cũng đủ cứu sống toàn bộ diện tích cây trồng bị hạn. “Đã hơn 2 tháng qua, hơn 1ha cà phê của mình không còn nước tưới và đang héo úa dần. Nếu nắng nóng kéo dài một thời gian nữa có lẽ cả vườn cà phê sẽ không sống nổi”- anh Y Thinh ở xã Ea Tul, huyện Cư MGar vui mừng nói.

Theo thống kê, đợt hạn vừa qua đã ảnh hưởng nặng nề đến hàng chục ngàn ha cây trồng, thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng ở Tây Nguyên. Đặc biệt trên toàn vùng này đã có hơn 55.000ha cà phê chịu ảnh hưởng do hạn hán, 95ha khác bị khô héo và chết. Điều này làm sản lượng cà phê niên vụ 2013-2014 sẽ giảm từ 30-35% so với niên vụ trước.

Cũng như anh Y Thinh, hàng trăm nông dân trồng cà phê tại xã Ea Tul đón mưa trong niềm sung sướng như bắt được lộc trời. Bởi nhiều tháng qua, họ thậm chí đào giếng ngay giữa lòng hồ nhưng cũng chỉ vét được những vũng nước ít ỏi để tưới cà phê.

Tại huyện Ea Kar, ông Nguyễn Văn Hà - Trưởng phòng Nông nghiệp cho biết mưa về sớm đã “cứu” hơn 500ha cà phê đang thiếu nước một cách nghiêm trọng. Tuy không thể cứu vãn được năng suất, nhưng nếu thiếu nước một thời gian nữa thì nắng nóng sẽ đốt cháy toàn bộ diện tích này.

Mặc dù vậy, theo ông Phạm Tiến San- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đăk Lăk, do hạn hán xảy ra ngay vào lúc cây cà phê ra hoa nên dù có mưa gần 30.000ha cà phê vẫn không thể cải thiện được năng suất. Ông Nguyễn Văn Hà cũng khẳng định: “Mưa vào thời điểm này đã không thể ngăn được những thiệt hại do hạn hán gây ra. Gần 800ha lúa bị mất trắng đã không thể cứu vãn, hơn 500ha cà phê chịu ảnh hưởng của hạn hán cũng không thể ra cho quả thêm nữa. Mưa chỉ còn có ý nghĩa lớn cho vụ sau”.

Lúa đổ ngã...

Cũng như ở Gia Lai, Đăk Lăk..., những ngày vừa qua, những cơn mưa lớn liên tiếp đã làm hạ nhiệt hạn hán cho các địa phương ở Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, mưa kèm theo gió đã khiến lượng lớn diện tích lúa đông xuân bị đổ ngã, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Tại xã Phong Bình (huyện Phong Điền), mưa kèm theo gió đã khiến hơn 100ha lúa bị đổ ngã, tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh, nhất là bệnh rầy nâu, bùng phát dữ dội.

Tương tự, tại nhiều địa phương khác của huyện Phong Điền cũng như các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà, Phú Lộc… cũng có hơn 1.000ha lúa đông xuân bị đổ ngã, năng suất của những diện tích lúa này bị giảm từ 30-70%. Việc thu hoạch những diện tích lúa này của người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém do không thể sử dụng phương tiện cơ giới.

Tại Phú Yên, mưa lớn vừa qua đã làm cho khoảng 10.000ha lúa trĩu hạt tại nhiều địa phương bị ngã đổ, ngập úng, khiến chi phí gặt đập tăng cao. Bà Phan Thị Hoa – nông dân xã Hòa Hiệp Bắc (Đông Hòa) cho hay: “8 sào ruộng của gia đình tôi nếu mướn máy gặt đập chỉ trong một ngày, giá 120.000 đồng/sào. Vừa rồi phải mướn 4 công gặt tay mất 5 ngày, giá 250.000-300.000 đồng/sào”.

Ông Nguyễn Ngọc Biên--Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hòa Hiệp Bắc cho biết: “Lúa đứng thì thuê máy gặt đập chỉ 120.000 đồng/sào. Còn lúa ngã không thể gặt bằng máy, thuê gặt thủ công chi phí từ 250.000-300.000 đồng/sào. Chi phí tăng cao, lại không có người để thuê nên thu hoạch chậm trễ, chất lượng lúa không cao”.

Tại Quảng Nam, nhiều diện tích lạc chưa nhổ kịp đã lên mộng vì mưa. Nông dân Nguyễn Thị Hạnh (trú phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết: “Nếu những cơn mưa gần đây xảy ra cách đây chừng 1 tháng thì ND chúng tôi rất mừng, vì lúc đó lúa đông xuân đang trổ đòng rất cần nước để thúc đẩy việc kết hạt. Còn mưa những ngày qua đã làm khó cho chúng tôi: Lúa đang gặt thì bị đổ rạp rất khó thu hoạch, lạc thì lên mộng hết”.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Nguyên nhân lạc lên mộng là do nắng nóng kéo dài khi mưa xuống làm cho đất nhão, mềm nên lạc rất dễ bén mộng do nhổ chưa kịp. Hiện toàn tỉnh còn khoảng 1.000ha lạc chưa nhổ kịp, chúng tôi đang cho kiểm tra diện tích lạc lên mộng”.

Tại Quảng Ngãi, theo ông Nhâm Xuân Sy - Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn, những ngày qua, tại miền núi mưa lớn, lượng mưa đo được từ 50-100mm, cá biệt tại huyện Sơn Hà lượng mưa có thời điểm lên đến 110mm. Mưa giúp hàng ngàn ha cây trồng, hoa màu giải hạn sau nhiều tháng liền nắng nóng kéo dài và làm tăng lượng nước tích trữ cho các hồ chứa từ 5-20%. Tuy nhiên, mưa lớn cũng làm nhiều ruộng lúa chuẩn bị thu hoạch, với diện tích lên đến hàng trăm ha, bị ngã đổ, vừa gây giảm năng suất vừa tăng chi phí thu hoạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem