“Muốn cho con ở nhà cũng không được”
Ngày cuối tuần, đang ngủ ngon giấc thì bị mẹ đánh thức dậy đi học, bé Trần Thị Trâm Anh (5 tuổi), con gái chị Nguyễn Thị Hồng Khuyên (28 tuổi), ở phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi phụng phịu: “Hôm nay là thứ Bảy mà”. Cùng với dỗ dành, chị Khuyên tất bật lấy quyển tập viết và các dụng cụ khác bỏ vào cặp cho con. Cả mùa hè này, bé Trâm Anh sẽ phải ngồi rèn chữ trong lớp học “nóng như lò lửa”.
|
Phụ huynh đưa con tới các lớp học thêm “tiền lớp 1” tại Kiến Thụy, Hải Phòng. |
Không riêng gì chị Khuyên, mà với nhiều bậc phụ huynh khác ở Quảng Ngãi, việc gửi con cho cô giáo để học trước khi vào lớp 1 đã trở thành chuyện dĩ nhiên. Chị Nguyễn Thị Hạnh (26 tuổi), ở phường Trần Phú giải thích: “Gần như các bé cùng lứa khi bước vào lớp 1 đều đã biết viết, đọc khá rành. Vì vậy muốn cho bé ở nhà cũng không được. Đi học hè, gia đình tôi phải đóng từ 400.000 - 600.000 đồng/tháng đối với học 1 buổi; nếu gửi kèm cả ngày và cô giáo bao luôn cả ăn, uống thì từ 900.000-1,2 triệu đồng/tháng/cháu…”.
Tại các huyện miền núi xa xôi như Sơn Hà, Ba Tơ... tình trạng này cũng khá phổ biến, trong đó chủ yếu là con của cán bộ và các gia đình khá giả. Anh Nguyễn Thanh Bình (34 tuổi), ở huyện Sơn Hà, cho biết: “Vợ chồng tôi đi làm cả ngày nên không có thời gian trông con, hè đến sẽ gửi con cho cô giáo. Bé vừa học chữ, lại có người trông coi, tiện cả đôi đường”.
Tại Hải Phòng, phong trào cho trẻ 5 tuổi đi học chữ cũng đang lan rộng. Chị Nguyễn Thanh Tâm ở xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy cho biết, con chị đang theo học lớp mẫu giáo 5 tuổi. Bé được tiếp xúc với bảng chữ cái và các con số. Nhưng sợ con vào lớp 1 sẽ chậm hơn các bạn nên chị cũng đã tìm chỗ cho cháu học trước chương trình. Tại khu vực chị ở, nhiều gia đình cũng tìm lớp cho con học trước khi vào lớp 1. “Các lớp học này mở vào buổi tối, cũng phải mách nhau mới biết chỗ học vì cô giáo sợ bị phạt”.
Ở thôn Hoàng Mai, xã Đồng Thái (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) cũng có một lớp với khoảng 40-50 cháu đang học. Chị Mai Du Khanh - một phụ huynh cho con đi học ở lớp này nói: “Tôi biết Bộ GDĐT cấm học trước lớp 1 nhưng phần lớn phụ huynh đều cho con đi học, tôi cũng cho con đi để con không bị non so với các bạn khi vào lớp 1”.
Sáng mầm non, chiều tiểu học
Chị Nguyễn Thị Hương (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) thì đã gửi cô con gái 5 tuổi vào một lớp học đặc biệt vì lý do: “Không đùa được với chương trình học hiện nay...”. Ở lớp học này, bé Hằng - con chị phải học cả tuần, 2 buổi/ngày, học phí 1 triệu đồng/tháng, không bao gồm ăn trưa. “Đưa đón vất vả nhưng đành chịu vì ở trường mầm non con tôi đang học không dạy chữ” - chị Hương nói.
Theo tìm hiểu của NTNN, dịch vụ dạy kèm học sinh vào lớp 1 “nở rộ” tại Khánh Hòa từ nhiều năm nay. Gần đây, ngành giáo dục làm căng nên các “lò” còn tồn tại đều do các cô giáo đã nghỉ hưu dạy. Có hai suất học, những em theo học từ tháng 9.2012 thì học buổi tối, 4 buổi/tuần, học phí từ 500.000 – 700.000 đồng/tháng, tùy “lò”.
Những em học muộn hơn thì phải bỏ học ở trường mẫu giáo để theo luyện 2 buổi và học phí tăng gấp đôi 1 – 1,5 triệu đồng/tháng với bảo đảm cháu sẽ đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1. Để làm được điều này, các bé phải gò lưng học viết chữ cả một mùa hè. Các lớp do các cô giáo dạy giỏi đứng lớp rất “đắt sô”, học sinh thậm chí phải qua cuộc “khảo thí” trước khi được nhận vào lớp.
Tại các quận ven đô của TP.HCM, các lớp học thêm trước lớp 1 còn được phân ca kíp. Tuần nào cũng vậy, cứ đều đặn các buổi chiều thứ 2, 5, chị Nguyễn Thị Mai (Gò Vấp) đều xin về trước 4 giờ 30 để kịp đón con về nhà tắm rửa, ăn uống rồi bắt đầu ca luyện chữ đẹp tại một trung tâm trên đường số 4, phường 15, quận Gò Vấp bắt đầu từ 18 giờ 30 đến 20 giờ. Con chị Mai, bé Na mới chỉ học lớp lá nhưng đã viết khá thạo, song do chữ viết còn xấu nên chị Mai quyết định cho bé học viết chữ đẹp từ hơn 1 tháng nay.
Không chỉ học thêm ở trung tâm, chị Mai kể: “Sau giờ học về nhà, cháu còn phải viết lại các chữ mà cô cho về nhà học, sau đó phải học thuộc thì mới được đi ngủ”. “Cũng biết cho con học sớm là không tốt nhưng ở thành phố này, nếu con mình đuối hơn các bạn là không được” - chị tâm sự. Theo tìm hiểu của NTNN, hầu hết các phụ huynh tại TP.HCM có con em sắp vào lớp 1 đều đồng tình quan điểm: “Con phải biết chữ trước khi vào lớp 1 thì mới khỏi… bỡ ngỡ”.
Với những quan niệm hết sức “phong trào” này, các phụ huynh đang tự đưa mình vào một cuộc đua phản khoa học, không có hồi kết và làm khổ con cả một mùa hè nóng bỏng.
(Còn nữa)
Ông Nguyễn Ngọc Tựu - Chánh văn phòng Sở GDĐT tỉnh Quảng Ngãi: Khó ngăn chặn nếu phụ huynh “hùa theo”
Dù việc tổ chức dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 bị cấm, nhưng rất khó để phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Bởi lẽ không cô giáo nào trưng biển, hay thừa nhận rằng đang tổ chức dạy chữ cho bé. Và cho dù có tận mắt nhìn thấy thì cũng chẳng thể làm gì, nếu như cô giáo nói rằng đang tập cho bé làm quen với mặt chữ, con số mà thôi. Vì vậy việc gò ép bé “đèn sách” trước khi vào lớp 1 phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của các phụ huynh.
Cô Lê Thị Toan - giáo viên THCS tại quận Kiến An, Hải Phòng: Phụ huynh coi là chuyện đương nhiên
Chuyện học trước lớp 1 ở Hải Phòng cực kỳ phổ biến, phụ huynh xem đó là chuyện đương nhiên phải làm và có một số giáo viên tiểu học cũng mặc nhiên coi việc trẻ bắt đầu vào lớp 1 đã phải biết đọc, biết viết. Điều này rất nguy hiểm vì tất cả trẻ bị ép vào một guồng học rất phản khoa học.
Bà Trần Thị Lý - Phó Giám đốc Sở GDĐT Khánh Hòa: Bát nháo ở các trường mầm non tư nhân
Hàng năm, Sở đều có văn bản vào đầu năm học về việc không dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1. Hiện nay các trường công thực hiện khá tốt, tuy nhiên các trường tư, đặc biệt là tại lớp của các cô giáo dạy giỏi đã nghỉ hưu lại rất đông học sinh. Hiện chúng tôi đang khảo sát tất cả trẻ 5 tuổi về chuẩn mầm non và bàn giao hồ sơ cho trường tiểu học trước khi vào lớp 1. Mục đích là để các trường, nhất là trường tư có trách nhiệm thực hiện bộ chuẩn này và hạn chế tình trạng các cơ sở tư nhân “lôi” học sinh về dạy chữ trước khi vào lớp 1, đồng thời chấm dứt tình trạng phụ huynh cứ đến học kỳ 2 là cho con nghỉ học ở trường để đi học chữ.
Nhóm PV (thực hiện)
Công Xuân - Trần Phượng - Quốc Hải - Mai Khuê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.