Mùa lũ bất thường, khó đoán ở ĐBSCL: Cần kịch bản ứng phó dài hơi

Minh Huệ (thực hiện) Thứ bảy, ngày 28/09/2019 19:30 PM (GMT+7)
Trước tình hình mùa lũ ở vùng ĐBSCL ngày càng khó đoán, bất thường, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phụ trách phía Nam (Bộ NNPTNT) cho rằng, vùng lũ ĐBSCL sẽ phải giảm dần diện tích trồng lúa và các cây trồng sử dụng nhiều nước ngọt nhưng giá trị thấp; khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản…
Bình luận 0

Hiện nay nước lũ đang dâng cao trên sông Tiền, sông Hậu, một số tỉnh như An Giang, Đồng Tháp đã xả lũ vào đồng nhằm mục đích tiêu diệt mầm bệnh, trong khi trước đó, ở một số nơi bà con nông dân nghe dự báo năm nay lũ về muộn nên muốn sản xuất lúa vụ 3. Vậy việc xả lũ vào đồng như thế này có ảnh hưởng gì tới sản xuất của bà con không, thưa ông?

- Đúng là có một số tỉnh đang xả lũ vào đồng, nhưng đấy là những diện tích nằm ngoài đê bao, người dân không sản xuất. Việc xả lũ vào đồng như thế này đã được thực hiện luân phiên 3 năm 1 lần, là sự chủ động mười mấy năm nay của các địa phương chứ không phải lần đầu tiên xảy ra nên không có gì đáng lo.

img

Tình trạng xâm nhập mặn khiến nông dân vùng ĐBSCL gặp khó khăn trong sản xuất.  Ảnh:  M.Thảo

Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến khó lường, vì vậy các tỉnh ĐBSCL đã chủ động đề ra nhiều giải pháp ứng phó phù hợp với đặc thù địa phương mình. Căn cứ vào dự báo thủy văn, các tỉnh đã khuyến cáo nông dân không nên sản xuất lúa vụ 3 (vụ thu đông).

Các tỉnh đều có kế hoạch sản xuất cho vùng xả lũ, căn cứ trên kế hoạch chung của Bộ NNPTNT theo Quyết định 586/QĐ-BNN-TT về việc ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đến năm 2020; Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu (còn gọi là nghị quyết thuận thiên), trong đó trọng tâm là tái cơ cấu ngành trồng trọt.

Theo thống kê, đến nay toàn vùng đã chuyển đổi được 40.000ha đất lúa sang cây trồng khác. Về cơ bản cho thấy hiệu quả kinh tế ở những vùng chuyển đổi đều cao hơn so với trồng lúa.

Tuy nhiên cũng có nông dân chia sẻ bây giờ họ không muốn trồng lúa nữa, có người trồng tới 8 vụ mà không có lãi. Vậy ở những vùng thường xuyên bị ngập vào mùa lũ, nên chăng chúng ta bỏ dần cây lúa, thưa ông?

- Chúng ta cần nắm rõ đặc thù ở vùng ĐBSCL, có những vùng thuần túy trồng lúa từ 50-70 năm nay thì đến giờ vẫn có ưu thế trồng lúa. Đấy cũng là nghề truyền thống của bà con nông dân, họ có kinh nghiệm trồng lúa và ngày càng dễ dàng thích ứng với các điều kiện khô hạn, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, trải qua nhiều năm sản xuất lúa, hệ thống đê bao, cơ sở hạ tầng thủy lợi đã được Nhà nước xây dựng khá đồng bộ mà người dân không cần phải tốn kém đầu tư như với các cây trồng khác.

Nhất là bây giờ, khoa học đã nghiên cứu ra nhiều giống lúa chịu mặn, chịu hạn mà chất lượng vẫn thơm ngon; cùng với bộ giải pháp kỹ thuật sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu cũng đang được một số địa phương triển khai hiệu quả.

Hiện nay, Bộ NNPTNT đang triển khai chương trình chuyển đổi trồng lúa bền vững vùng ĐBSCL, mục tiêu của chương trình là vừa giảm chi phí sản xuất, vừa canh tác phù hợp với điều kiện tự nhiên để nghề trồng lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

img

Mùa lũ năm 2018, nông dân huyện Tri Tôn (An Giang) phải gặt lúa non chạy lũ. Ảnh: T.Nốt  

Với tình hình biến đổi khí hậu diễn biến khó lường như hiện nay thì trong tương lai gần, rất có thể có năm chúng ta sẽ không có lũ, hoặc lũ rất lớn, vậy Cục Trồng trọt có những lưu ý như thế nào?

- Đối với sản xuất lúa nói riêng, sinh kế của người dân vùng ĐBSCL nói chung, xác định sẽ phải thích ứng linh hoạt hơn với điều kiện thời tiết, biến đổi khí hậu thời gian tới. Riêng vấn đề lũ nhiều hay ít, còn ảnh hưởng tới cả chất lượng nước sinh hoạt của toàn vùng, do đó câu chuyện thích ứng như thế nào đều đã được Chính phủ, Bộ NNPTNT và các bộ ngành liên quan tính đến. 

Đối với lũ ở ĐBSCL, có 4 yếu tố cần quan tâm: Lưu lượng lũ nhiều hay ít; lũ ngắn hay dài; sớm hay muộn; nhiều phù sa hay ít. Yếu tố nào cũng quan trọng nên từ lâu, Bộ NNPTNT nói chung, Tổng cục Thủy lợi, Đài Khí tượng thủy văn Trung ương đều đã có dự báo về lũ cho toàn vùng. Dự báo càng sớm, việc bố trí sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nhất là nước sinh hoạt của người dân sẽ chủ động hơn.

Lũ về nhiều hay ít sẽ quyết định tới toàn bộ chất lượng nước của cả năm đó. Đặc biệt là năm nay, trước dự báo mùa lũ thấp, từ tháng 7/2019, Bộ NNPTNT đã triển khai hội nghị sản xuất lúa thu đông, trong đó đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo các địa phương căn cứ tình hình để chủ động kế hoạch sản xuất phù hợp.

Về nguồn lực đầu tư cụ thể cho vùng lũ ĐBSCL trong thời gian tới, chúng ta chưa có con số cụ thể, nhưng tôi cho rằng Chính phủ có thể đề ra một chiến lược ít nhất là 5 năm về việc hỗ trợ các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp người nông dân yên tâm sinh sống, sản xuất”.

 Ông Lê Thanh Tùng

Tiếp đó, Bộ NNPTNT cũng đã liên tục cử các đoàn công tác đi làm việc tại các địa phương để có ghi nhận đầy đủ về tình hình sản xuất, hạn mặn. Ban đầu, chúng tôi dự định cuối tháng 9 sẽ tổ chức hội nghị triển khai vụ đông xuân, nhưng do thông tin về nguồn nước chưa đầy đủ nên vào đầu tháng 10, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức hội nghị này.

Thực tế những năm gần đây, bà con vùng ĐBSCL luôn thấp thỏm do lũ về thất thường, rất cần có những kịch bản ứng phó mang tính dài hạn để sản xuất không bị động, thưa ông? 

- Căn cứ theo Nghị quyết 120, ĐBSCL sẽ được tổ chức canh tác nông nghiệp theo phân vùng sinh thái. Cụ thể, vùng thượng nguồn giáp Campuchia là vùng ngập, mùa lũ sẽ trữ lũ chứ không dùng đê để be giữ. Một mặt, người dân chuyển từ canh tác lúa 3 vụ sang 2 vụ.

Mặt khác, chuyển đổi sang các phương thức sản xuất khác như một vụ trồng lúa, một vụ nuôi trồng thủy sản, trồng sen hoặc các cây trồng khác. Vùng trung tâm đồng bằng sẽ chuyển đổi mô hình sản xuất, không ưu tiên lúa nữa mà sang cây ăn trái. Vùng ven biển sẽ không ngăn mặn mà chuyển đổi sản xuất theo hướng coi nước mặn như một nguồn tài nguyên, với các mô hình: Lúa - màu, lúa - tôm, trồng cỏ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nước mặn…

Trong kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 120, Bộ NNPTNT sẽ rà soát điều chỉnh chiến lược, định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp toàn vùng phù hợp với các tiểu vùng sinh thái gắn với 3 nhóm sản phẩm chủ lực, theo thứ tự ưu tiên là thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo.

Thời gian tới sẽ giảm diện tích trồng lúa và các cây trồng sử dụng nhiều nước ngọt nhưng giá trị thương mại thấp; khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái; nghiên cứu cung cầu thị trường trong nước và quốc tế để xác định hướng đi cho các ngành hàng chiến lược, theo hướng tăng diện tích nuôi trồng cây ăn quả và thủy sản, giảm diện tích lúa kém hiệu quả…

Xin cảm ơn ông!
 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem