Mưa nắng bất thường chưa từng có, chăm sóc cà phê thế nào?

Lê Kiến Thứ hai, ngày 03/04/2017 15:35 PM (GMT+7)
“Giữa mùa mưa phải tưới nước cho cây, mùa khô lại có mưa lớn… là những hiện tượng trước đây chưa bao giờ có. Người trồng cà phê đang chịu những ảnh hưởng rõ rệt tới sản xuất và cần có những giải pháp hỗ trợ cụ thể, lâu dài” - ông Trần Văn Khởi – quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết.
Bình luận 0

50-70% hoa trái mùa không đậu quả

Sáng 31.3, tại TP.Pleiku (Gia Lai), trong khuôn khổ Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam VnSAT”, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) tổ chức diễn đàn “Khuyến nông sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu”, với sự tham dự của các chuyên gia Cục Trồng trọt, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên… và gần 200 nông dân của 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai.

img

Các đại biểu dự diễn đàn tham quan mô hình tái canh cà phê tại Nông trường Ia Sao (huyện Ia Grai). Ảnh: L.K

Để phát triển cà phê bền vững, không những là hạn chế rủi ro mà còn hướng đến một nền nông nghiệp sạch. Trong thời gian sắp tới sẽ mở rộng hơn và cần sự vào cuộc của các bên như hệ thống khuyến nông, chính quyền địa phương… để giúp nông dân sản xuất cà phê hiệu quả”.

Ông Trần Văn Khởi

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), đến cuối năm 2016, diện tích cà phê cà nước đạt gần 650.000ha, trong khi quy hoạch đến 2020 chỉ có 600.000ha. Hiện tượng El Nino năm 2016 đã ảnh hưởng đến 116.000ha cà phê, gây mất trắng gần 7.000ha. Bên cạnh đó, việc mùa mưa đến sớm khiến hoa nở trái mùa chiếm 15-20%, trong đó 50-70% là không đậu quả. Đồng thời, tình trạng canh tác cà phê nói chung còn thiếu bền vững do quy mô sản xuất nhỏ, cây giống chưa đảm bảo, cơ cấu cây cà phê chưa hợp lý (trên 92% cà phê trong nước là cà phê vối), sử dụng nước tưới, phân bón còn lãng phí.

Ông Trần Văn Khởi cho rằng: Lâu nay nhắc đến biến đổi khí hậu, chúng ta cứ nghĩ nó không ở nước ta. Nhưng thực tế 2 năm nay là rõ ràng nhất, có thời điểm mùa mưa nhưng vẫn phải tìm tưới nước bổ sung cho cây, hay mùa nắng nhưng vẫn có mưa xảy ra đã không còn chuyện lạ. Theo thạc sĩ Hà Văn Uyển – Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai: Thường mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10, nhưng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến thời tiết diễn biến rất phức tạp, hạn kéo dài, mưa không đúng lúc. Riêng trong vụ 2015-2016, trên địa bàn tỉnh có khoảng 7.000ha cà phê bị ảnh hưởng do hạn gây thiệt hại gần 77 tỷ đồng.

Giúp nông dân thích ứng

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến bà con nông dân thắc mắc: Mùa khô bón phân như thế nào, khi gặp trời mưa khiến cà phê ra hoa sớm phải làm sao để khắc phục, có giải pháp nào giúp người dân đối phó khô hạn… đều được các chuyên gia chia sẻ và khuyến cáo cách làm.

img

Đối với cà phê giai đoạn kinh doanh, bà con phải thường xuyên làm cỏ, làm sạch vườn. Ảnh minh họa. 

Theo thạc sĩ Hồ Công Trực – Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường Tây Nguyên: Mưa trái mùa đã làm cho cà phê ra hoa sớm, tỷ lệ đậu quả thấp đồng thời cũng làm cho chu kỳ ra hoa tiếp theo bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, bà con cần phải có biện pháp nuôi quả trong mùa khô, kéo dài qua mùa mưa và cách bón phân hợp lý sẽ khắc phục hiệu quả thời tiết thất thường. Bón phân đảm bảo cân đối, kịp thời vụ, đúng cách và đủ hàm lượng. Cụ thể, ngoài bón phân chính là hữu cơ, thì các loại phân vô cơ khác cần được bổ sung đầy đủ theo tỷ lệ nguyên chất như: 300kg N, 100kg P205, 300kg K2O cho mục tiêu năng suất 3-3,5 tấn nhân/ha.

Bên cạnh đó, các chuyện gia cũng hướng dẫn cho nông dân giải pháp áp dụng hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt giúp bà con vừa tiết kiệm, tránh lãng phí nước tưới, vừa tăng hiệu quả sử dụng phân bón qua hệ thống. Đồng thời khuyến cáo người dân trồng xen các loại cây ăn quả, cây chắn gió trong vườn cà phê vừa tạo bóng mát vừa tăng giá trị trên cùng diện tích đất. Về lâu dài là nghiên cứu và sản xuất các loại giống có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng các nguồn giống đầu dòng.

Tại diễn đàn, một số mô hình hay, cách làm hiệu quả cũng được chia sẻ rộng rãi với bà con nông dân học hỏi. Để khắc phục tình trạng cà phê ra hoa sớm, nông dân Đặng Văn May (xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, Kon Tum) nói: “Mưa sớm, mưa trái mùa khiến cho cà phê ra hoa sớm thì bà con không nên vội vàng tưới đuổi (tưới sau cơn mưa để cung cấp đủ nước cho cây ra hoa -PV). Nếu nóng vội, cây phân hóa mầm chưa hết thì dẫn đến năng suất không đảm bảo cả vụ hiện tại lẫn vụ sau.  Đến khi cây đậu trái non chỉ cần cung cấp đủ phân bón và tưới nước thích hợp là ổn”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem