Mua trạm thu phí rồi xóa sổ, dân đỡ bị “móc túi” trực tiếp?

Mai Quốc Ấn Thứ tư, ngày 14/09/2016 06:14 AM (GMT+7)
Chính quyền đã chọn cách đứng về lợi ích nhân dân khi đưa ra quyết định "mua lại" trạm thu phí?
Bình luận 0

Chính quyền đã chọn cách đứng về lợi ích nhân dân khi đưa ra quyết định "mua lại" trạm thu phí? Điều này xảy ra tại Bình Dương khi tỉnh ủy, UBND tỉnh này đồng lòng mua lại 1 trạm thu phí BOT và dừng kế hoạch lập 2 trạm thu phí BOT mới khác trên địa bàn.

UBND tỉnh Bình Dương đã mua lại Trạm thu phí An Phú đường ĐT 743 đi qua thị xã Thuận An của Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương và xóa sổ trạm thu phí này. Đây là tin vui cho các doanh nghiệp vận tải, tài xế cùng người dân bởi tuyến đường này có lượng xe tải, xe container chở hàng đi vào các khu công nghiệp, cảng rất lớn như VSIP 1, ICD Tân Cảng - Sóng Thần và dẫn ra các đường đi TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước.

img

Trạm thu phí An Phú đã được UBND tỉnh Bình Dương mua lại.

Bản chất của cách làm này có thể hiểu đơn giản là gián tiếp lấy tiền của người dân (ngân sách từ thuế) để trực tiếp chia lại cho dân (không thu phí). Và nếu có một đơn vị được lợi thì đó chính là Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương- đơn vị đã bán lại dự án BOT cho tỉnh. Nên chỉ có thể coi đây là một tin vui nhỏ.

Nhưng tin vui lớn hơn chính là việc 2 dự án đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng dài hơn 64 km với vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng và hai tuyến đường ĐT 746, ĐT 747B cũng đang được mở rộng thành sáu làn xe với tổng chi phí gần 1.500 tỷ đồng. Tất cả đều không có trạm thu phí BOT nào cả mà hướng đến việc áp dụng hình thức PPP.

Muốn hiểu được điều này thì cứ nhìn vào bản chất của BOT và PPP sẽ rõ. BOT là hình thức Chính phủ có thể kêu gọi các công ty bỏ vốn xây dựng trước (build) thông qua đấu thầu, sau đó khai thác vận hành một thời gian (operate) và sau cùng là chuyển giao (transfer) lại cho nhà nước sở tại. PPP là viết tắt của Public - Private Partner (Đối tác công- tư) là hình thức Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện Dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án.

Chí ít, với PPP thì hình thức "móc túi" trực tiếp người dân bằng cách thu phí (mua vé) sẽ không diễn ra ngay. Mặt khác, nó cũng tránh được việc chủ đầu tư khai sai số tiền thu được từ bán vé qua trạm (bán nhiều, khai ít để hưởng chênh lệch bất chính gây thất thoát ngân sách).

Lý giải điều này, ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nói với báo chí: “Nếu không lập trạm thu phí sẽ mất một nguồn thu ngân sách đáng kể. Tuy nhiên, việc bỏ bớt trạm thu phí sẽ tạo điều kiện không nhỏ cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn và thu hút được các nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà máy các khu công nghiệp. Tôi mong muốn trên địa bàn tỉnh Bình Dương không có trạm thu phí nào”.

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bỉnh Dương cũng phát biểu với báo chí, tỉnh có chủ trương đầu tư các tuyến đường với kinh phí một phần từ vốn từ ngân sách và phần còn lại kêu gọi từ các doanh nghiệp đầu tư đang xây dựng phát triển đô thị, khu công nghiệp có tuyến đường đi qua. Đổi lại, tỉnh Bình Dương sẽ có các chính sách để đảm bảo hoàn lại vốn cho nhà đầu tư nhưng không phải bằng cách thu phí để giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo cho các tuyến đường trên địa bàn phát triển nhanh chóng.

Cái được của Bình Dương là họ không "bất chấp hết thu BOT" và được dân khen. Cái được của người dân, doanh nghiệp vận tải là họ sẽ không mất thời gian để qua trạm và không mất ngay tiền để mua vé (phí). Nhưng vẫn cần nhắc nhau rằng hình thức đầu tư PPP cũng cần được giám sát chặt chẽ kẻo các "sân sau" (nếu có) sẽ có dịp tung hoành và hưởng các lợi ích "trên trời".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem