Đêm giao thừa… hiếu học
|
Lễ tuyên dương học sinh giỏi của dòng họ Vũ làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, Bình Giang, Hải Dương. |
Giao thừa hàng năm là dịp đặc biệt đối với những tân sinh viên, học sinh giỏi của Hội Khuyến học xã An Đồng (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), bởi họ sẽ không đón giao thừa cùng gia đình mà cùng nhau đón năm mới tại trụ sở UBND xã.
Ông Nguyễn Ngọc Lưu – Phó Chủ tịch HĐND kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học xã cho biết: “Đó được gọi là đêm giao thừa hiếu học”. Trước thời khắc chuyển giao sang năm mới, xã tổ chức gặp gỡ những học sinh giỏi, tân sinh viên, những cử nhân mới ra trường tại trụ sở UBND xã để giao lưu, liên hoan với cán bộ xã, các vị lão thành cách mạng và tặng quà các cháu”.
Quà khuyến học của xã có giá trị không lớn, có khi chỉ là bức sơn mài hình Quốc Tử Giám, sách vở, giấy bút hay 100.000 đồng/em, nhưng nó đã khích lệ tinh thần và lòng hiếu học của các em.
Những học sinh khác coi “Đêm giao thừa hiếu học” này là niềm mơ ước và phấn đấu để được mời đến tham dư. Em Nguyễn Thị Oanh – tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Ngày trước, thấy các anh chị đỗ ĐH nhận được giấy mời họp mặt ở xã vào giao thừa, em chỉ ước mình cũng được như thế. Niềm vui nhận được giấy mời của xã chẳng khác gì nhận được giấy trúng tuyển ĐH, bố mẹ em cũng cảm thấy rất tự hào”.
Ngoài gặp mặt tân sinh viên vào dịp đầu năm, xã An Đồng còn trao học bổng khuyến khích cho các em học sinh giỏi đoạt giải huyện, tỉnh của cả 3 cấp vào dịp lễ hội hàng năm tại sân đình trước sự chứng kiến của toàn thể dân làng. “Nhờ phong trào này mà số học sinh giỏi của xã ngày càng tăng. Năm nay có 297 học sinh giỏi và gần 60 tân sinh viên ĐH sẽ được mời dự “Đêm giao thừa hiếu học” - ông Lưu cho biết.
Liên gia làm khuyến học
Đối với con, cháu, chắt trong dòng họ hiếu học Phạm Phan (thôn Phan, xã Bạch Sam, Mỹ Hào, Hưng Yên) thì mỗi dịp Tết đến là một dịp báo hiếu tổ tiên bằng thành tích học tập. Nhiều năm nay, 8 gia đình họ Phan đã sáng lập ra Quỹ khuyến học liên gia để thưởng cho học sinh giỏi, học sinh vượt khó vào đúng ngày giỗ tổ mùng 2 Tết hàng năm tại nhà thờ họ. Quỹ khuyến học này được chia thưởng theo 3 mức: Giải thưởng, học bổng, tặng phẩm.
Trong từng bậc lại chia theo thứ tự cao thấp từ kết quả học tập. Học sinh trong năm không bị kỷ luật, không bỏ học cũng nhận được phần quà khuyến khích động viên của dòng họ. Thầy Phạm Phan Chẩn – nguyên Tổ trưởng Tổ Văn Trường Năng khiếu Hải Hưng (cũ) – trưởng họ, cho biết:
“Từ khi dòng họ mở Quỹ khuyến học này, phong trào học tập của con em ngày một khá hơn. Năm 2003 là năm đạt đỉnh cao về kết quả học tập với chắt Trần Công Toán giành huy chương Bạc Vật lý châu Á - Thái Bình Dương. Đến nay, có hai cháu đỗ thủ khoa đại học, 6 cháu giành giải nhất, giải nhì thi học sinh giỏi cấp tỉnh và điểm cao thi đại học. Số cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, thành phố, thi đỗ vào trường chuyên, đại học gần 40 cháu”.
Nhiều gia đình, dòng họ ở các địa phương khác cũng chọn Tết Nguyên đán hàng năm là dịp tuyên dương gương hiếu học như: Quỹ khuyến học Lê Xuân Lan của huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa); Quỹ khuyến học dòng họ Lê Đình (Yên Thành, Nghệ An)...
Việc tuyên dương học sinh giỏi của các địa phương, dòng họ vào mỗi dịp Tết là một truyền thống tốt đẹp và cần được duy trì, mở rộng. Đây chính là dịp mà con cháu, ông bà cảm nhận được sứ mệnh thiêng liêng nhất, sự gắn kết dòng tộc, nhiệm vụ với gia tiên trong những thành tích mà mình đạt được, từ đó để phấn đấu, vươn lên.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học VN
Thiên Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.