Mua vé máy bay về ăn Tết: Quê nhà bị cách ly, khách hàng vẫn... phải bay
Mua vé máy bay về Tết Tân Sửu 2021: Quê nhà bị cách ly, khách hàng vẫn... phải bay
Nha Mẫn
Thứ hai, ngày 22/02/2021 18:53 PM (GMT+7)
Dù không thể về nhà, vì quê nhà đang bị cách ly, gia đình thuộc diện bị phong toả...vì dịch Covid-19; thế nhưng, nhiều hành khách vẫn bị ép... phải bay. Nếu không bay, thì bỏ vé, không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ hãng hàng không...
Quê nhà bị cách ly, Vietnam Airlines vẫn bảo không thuộc diện hỗ trợ
Đầu tháng 2 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi văn bản hoả tốc tới các hãng hàng không, về việc giải quyết đối với những hành khách không thể thực hiện chuyến bay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách hỗ trợ chưa linh động từ các hãng hàng không đã khiến khách hàng thiệt thòi.
Cục Hàng không Việt Nam nêu rõ: Dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trong cả nước, khiến nhiều hành khách đã mua vé, nhưng không thể thực hiện được chuyến bay. Điều này, gây thiệt hại cho các hãng hàng không và hành khách - đặc biệt là tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu: Các hãng hàng không khẩn trương thực hiện đổi vé, hoàn vé (tiền mặt hoặc voucher nếu có sự đồng ý của hành khách), kể cả đối với vé có các điều kiện hạn chế (không được đổi ngày/giờ bay, không đổi hành trình, không hoàn vé).
Các điều kiện trên áp dụng đối với hành khách đã mua vé, nhưng không thực hiện được chuyến bay, do ở khu vực bị phong tỏa, cách ly trên các đường bay hãng vẫn khai thác bình thường.
Song, trên thực tế, chính sách của một số hãng vẫn chưa đáp ứng được việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Nhiều khách hàng vẫn chịu thiệt thòi, vì mua vé máy bay giá rẻ với điều kiện không huỷ, không đổi trả.
Ông Nguyễn Văn Hùng (quê Hải Dương) cho biết: Do tuổi đã cao, nên vợ chồng ông vào Đồng Nai và Bình Dương để sinh sống với con cháu. Từ tháng 12/2020, ông đã mua vé máy bay của hãng Vietnam Airlines, từ sân bay Tân Sơn Nhất đi – Hải Phòng vào ngày 26/2/2021. Mục đích để về quê Hải Dương lo việc gia đình.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Hải Dương đang bị cách ly xã hội; còn quê ông là Kim Thành đang là ổ dịch mới nhất của cả nước, nên ông không thể di chuyển về Hải Dương. Trước sự cố đó, ông Hùng đã liên hệ đến hãng để xin được hoàn vé hoặc đổi lịch trình bay; tuy nhiên, ông Hùng đã không được hỗ trợ.
"Tôi thấy hãng chưa linh động trong việc hỗ trợ khách hàng. Tôi có đưa ra các dẫn chứng, lý lẽ và cung cấp giấy tờ chứng minh tôi sống ở Kim Thành – Hải Dương. Nhưng nhân viên vẫn cho rằng "không thuộc diện được hỗ trợ".
Họ nói hiện nay hãng mới chỉ có công văn hỗ trợ cho những ai đang ở trong diện cách ly, phong toả, không thể bay và có xác thực của chính quyền địa phương. Còn trường hợp của tôi, do sân bay Hải Phòng vẫn hoạt động, nên hãng không tiếp nhận xử lý và hỗ trợ.
Tôi mong các hãng bay, cục, Bộ Giao thông - Vận tải nên có những phương án cụ thể rõ ràng hơn, để khách hàng đỡ thiệt thòi. Vì giờ, nếu tôi có bay về Hải Phòng cũng đâu thể về quê, vé không đi xem như bỏ. Thà là dịch rồi tôi mới mua vé coi như lỗi của tôi. Đằng này tôi mua từ khi dịch chưa tái bùng phát" - ông Hùng bức xúc.
Clip: Nhân viên tổng đài Vietnam Airline cho biết vẫn chưa có công văn nào của hãng áp dụng vào việc hỗ trợ khách hàng như ông Hùng
Mua vé giá rẻ, coi như bỏ vé
Không chỉ ông Hùng mà anh N.V.M. cũng quê ở Hải Dương cũng chung nỗi khổ tương tự. Anh M. nói rằng, 3 năm rồi anh chưa về quê, vì con cái còn nhỏ nên năm nay quyết định cho cả nhà về ăn rằm tháng Giêng với ông bà ở quê.
Vợ chồng anh đặt vé từ TP.HCM – Hải Phòng, để về Hải Dương vào ngày 24/2 tới. Nhưng hiện nay, cũng không thể bay. Dù vậy, việc xin hỗ trợ đổi, hoàn vé cũng không được hãng linh động xử lý khiến anh phải chấp nhận mất hơn 4 triệu đồng.
"Vợ chồng tôi cũng khó khăn, xa quê vào miền Nam sinh sống, làm công nhân. Mỗi lần về là đắn đo suy nghĩ lắm. Hiện ở quê dịch diễn biến rất phức tạp, lại đang cách ly xã hội, nhiều khu vực bị phong toả.
Do đó, gia đình cũng ý thức, nên muốn ở yên một chỗ để cùng cả nước chống dịch. Hơn nữa giờ có về được quê cũng không thể về nhà, nên rơi vào cảnh khó. Vì thế tôi xin hoãn vé, nhưng hãng trả lời là không thể hỗ trợ được.
Lý do là vì vé của chúng tôi là vé giá rẻ, có nghĩa không bay thì bỏ…, không thuộc diện hỗ trợ. Hiện hãng chỉ chấp nhận hoàn, đổi cho những người đang thuộc diện bị cách ly, đang ở nơi bị phong toả,…" - anh M buồn bã.
Gọi điện thoại tư vấn, mất tiền, rước "cục tức" vào thân
Không chỉ vợ chồng ông Hùng, anh M., mà còn rất nhiều hành khách khác cũng đang khổ sở vì chuyện vé máy bay trong đợt dịch Covid-19 này. Ngoài vấn đề không được hỗ trợ hoàn đổi ra, thì gọi điện lên tổng đài để gặp được nhân viên tư vấn cũng là điều khiến nhiều người đau đầu vì không chỉ mất tiền cước điện thoại, mà còn thêm tức anh ách.
Do đó, nhiều hành khách đành mất vé, tốn phí cả trăm ngàn đồng, nhưng vẫn ngậm ngùi vì không thể "trình bày nguyện vọng".
Anh Nguyễn Minh Vương ngụ TP.Biên Hoà bực mình chia sẻ: "Trước đây tôi thường đặt vé qua đại lý nên mọi vấn đề thay đổi đều có người xử lý dùm. Đợt này tôi tự đặt vé Vietjet qua thẻ ngân hàng nên phải tự mình xử lý mọi vấn đề.
Cuối cùng tôi đành bấm bụng ra sân bay mua hành lý với giá đắt hơn gấp 2 lần so với giá hành lý đặt trước. Vừa tốn tiền điện thoại, vừa không thể gặp nhân viên, mất toàn tiền oan ức".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.