Mùa Vu lan của những người mẹ có con mang án tử hình

Nguyễn Thanh (Dòng đời) Chủ nhật, ngày 24/08/2014 19:05 PM (GMT+7)
Tháng bảy âm lịch là mùa báo hiếu, cũng là dịp cho mỗi đứa con tưởng nghĩ đến công lao trời biển của đấng sinh thành. Ở rất nhiều ngôi chùa trong những ngày này, người ta dễ dàng bắt gặp niềm hạnh phúc nở đỏ cánh hồng, hay niềm nhớ tiếc bằng một bông hồng trắng trên ngực áo khách thập phương... Và, tại chốn pháp đình, người ta cũng đã thấy những người mẹ đầy khắc khoải khi những đứa con mang trọng án tử hình.
Bình luận 0
Trại giam Chí Hòa (TP.HCM) thông báo về việc làm đơn nhận xác con, bà Nguyễn Thị Thanh Thu tím bầm từng thớ ruột. Bà biết, ngày mẹ con cách biệt âm dương đã đến rất gần. Sau cái lần Chủ tịch nước bác đơn ân xá, thời gian sống của con trai bà – tử tù Nguyễn Quốc Trung chỉ đếm bằng ngày.
Gặp con như một lời vĩnh biệt

Ngồi thu lu trong cái chòi hiu quạnh giữa cánh đồng ở huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, bà Thu nghẹn ngào kể:

Bà có 5 người con. Trung là con giữa. Học đến lớp 5, chưa kịp đợi lớn thì Trung đã phải theo bạn lên Sài Gòn làm mướn, tự bươn chải kiếm cơm. Cả nhà bà Thu hiếm có bữa cơm chung vì ai cũng phải tỏa đi làm ăn. Hai người con trai đầu sinh đôi thì bị câm điếc bẩm sinh, dắt díu nhau đi bán vé số để khỏi bị ăn hiếp, lừa gạt. Bản thân bà thì làm giúp việc, ở luôn nhà chủ để có cái ăn và thêm được đồng nào thì dẫn con đi chữa bệnh.

Nguyễn Quốc Trung làm phụ hồ cho một công trình ở quận Tân Bình. Đầu tháng 1.2010, Trung cùng anh em làm hồ uống rượu xả hơi cuối tuần. Một người trong nhóm bỏ về trước thì xảy ra cự cãi với anh Phạm Trung Dũng. Anh này quay lại quán rượu méc với Trung. Bênh bạn, Trung rời bàn nhậu đi tìm Dũng hỏi chuyện.

Về đến công trình thì hai bên xảy ra xô xát. Trung dùng dao đâm chết anh Phạm Việt Cường là em trai của Dũng. Bản thân anh Dũng cũng bị những nhát dao của Trung làm bị thương. Sau khi gây án, Trung tìm đến nhà người thân nhờ báo công an tự thú.

Sau hai lần xử, cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều phạt Trung án tử hình.

“Tôi biết tội của con mình khó tha, nhưng bản án nghiêm khắc quá. Ngay sau khi Chủ tịch nước bác đơn, tôi mạo muội viết thư để xin tha chết cho con. Tôi đánh liều nói với Chủ tịch nước, rằng thằng Trung vẫn còn giáo dục được vì nó rất thương mẹ, làm có tiền là gửi về cho anh trị bệnh. Trung phạm tội lần đầu, trước giờ nó hiền như đất cục... Mỗi lần đi thăm con, nghe con nói về chuyện thi hành án, tiêm thuốc là hai mẹ con ôm nhau khóc. Tháng bảy âm lịch, tôi đi chùa cầu mong con trai mình được thoát án tử dù hy vọng đó rất mong manh...”, bà Thu nói.
Bỏ xứ đi tìm công lý cho con

Một ngày giữa tháng 5.2013, bà Lê Thị Thoa buông thúng lúa đang cho gà ăn, ào về phía cổng trang trại để đón một người khách đặc biệt: Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

img
Lê Bá Mai, một tử tội bị tuyên án xuống còn chung thân, nhưng bà Lê Thị Thoa tiếp tục đi minh oan cho đứa con trai của mình.

Vừa thấy bà Hoài Thu, hai vợ chồng bà Thoa quỳ sụy, van lạy cứu mạng con trai mình là Lê Bá Mai, người từng bị tuyên hai lần án tử hình vì các tội giết người và hiếp dâm trẻ em. Vụ án Lê Bá Mai trở thành kỳ án với gần 10 năm điều tra, truy tố, xét xử nhưng các chứng cứ buộc tội chưa thuyết phục. Đã có không ít ý kiến của các chuyên gia pháp lý nói Mai bị oan.
“Tôi chỉ mong sao con mình được minh oan để cùng gia đình trở lại Thanh Hóa cày cuốc mảnh vườn... Ban ngày đi nộp đơn, ban đêm tôi cứ cầu nguyện trời Phật thương tình chứ chẳng biết làm gì hơn cho Mai" - bà Thoa - mẹ tử tù Lê Bá Mai.

Vụ án bắt đầu từ giữa tháng 11.2004, người ta phát hiện một xác chết trong khu trang trại mít Mai đang làm thuê. Nạn nhân được xác định là Thị Út, 11 tuổi, người dân tộc S’tiêng ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Út bị hiếp dâm rồi giết chết.

Rất nhanh sau tin báo, công an phong tỏa hiện trường, tiến hành điều tra và Lê Bá Mai bị bắt. Tại cơ quan điều tra, Mai nhận tội để rồi tất cả các phiên xử, bị cáo này phản cung vì lí do cán bộ điều tra đánh đập, bức cung, dùng nhục hình. Tuy có rất nhiều tình tiết mâu thuẫn, nhưng hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên phạt Mai án tử hình. Sau đó, hồ sơ vụ án được trả tới, trả lui để điều tra bổ sung.

Từ khi nhận được tin Mai vào Bình Phước làm thuê rồi vướng vòng lao lý, bà Lê Thị Thoa đứng ngồi không yên. Tin con mình hiền lành, không thể phạm tội tày trời, bà bàn với chồng xin ông Dương Bá Tuân là chủ trang trại cho mình vào Bình Phước làm thuê để tìm công lý cho con. Suốt 10 năm theo đuổi vụ án, nộp đơn rồi van vái khắp nơi chưa một lần bà trở lại quê để chăm sóc mảnh vườn của mình.

Được sự giúp đỡ của các luật sư, TAND tỉnh Bình Phước, đã tuyên Lê Bá Mai vô tội. Thế nhưng, ngày 30.8.2013, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Lê Bá Mai có tội với mức án tù chung thân. Một bản án tạo ra sự khó hiểu cho dư luận vì với hai tội danh kể trên, Mai phải chịu hai lần án tử hình mới đủ. 

Không tin Mai phạm tội, bà Thoa lại tiếp tục cùng chồng lặn lội ra Hà Nội nộp đơn kêu oan, kháng nghị giám đốc thẩm. Mới đây, tiến sĩ Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao nói sẽ hết mình tìm cách minh oan cho Lê Bá Mai. Câu trả lời của vị tiến sĩ có nhiều năm công tác ở cơ quan tiến hành tố tụng khiến bà Thoa ấm lòng.

“Tôi chỉ mong sao con mình được minh oan để cùng gia đình trở lại Thanh Hóa cày cuốc mảnh vườn. Cuộc sống bên ngoài làng mạc tôi không quen, lại nơm nớp lo lắng. Ban ngày đi nộp đơn, ban đêm tôi cứ cầu nguyện trời Phật thương tình chứ chẳng biết làm gì hơn cho Mai. Khổ thân thằng bé”, bà Thoa nghẹn giọng.

Nỗi niềm người mẹ “tướng cướp chặt tay”

Tước đi mạng sống của người khác, nhiều tội phạm đã từ bỏ quyền được sống của mình, đó là một nguyên tắc của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, với bị cáo Hồ Duy Trúc, quê ở Ninh Thuận, kẻ thực hiện vụ án chặt tay cướp xe SH ở chân cầu Phú Mỹ dư luận vẫn còn phân vân trước bản án tử hình dành cho bị cáo này.

img
Cha mẹ bị cáo Hồ Duy Trúc được luật sư vỗ về sau khi bị cáo này bị tuyên tử hình.

Ngày 24.3.2014, bị cáo Hồ Duy Trúc bị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên phạt tử hình vì tội cướp tài sản. Bản án này là y án sơ thẩm của TAND TP.HCM.

Còn nhớ trong lần xử sơ thẩm, bà Nguyễn Thị Út, mẹ của Hồ Duy Trúc được cho là gây mất trật tự chốn pháp đình khi la hét, thậm chí đòi giết bị hại cùng rất nhiều câu nói phản cảm.Tuy nhiên đã có một sự thật khác của người đàn bà mà phần lớn cuộc đời đầy nỗi bất hạnh này. Bà Út hiện đang bán trái cây, hoa cúng ở chợ Phan Rang. Từ cái sạp lay lắt này, bà nuôi 12 đứa cháu do những người con của bà để lại. Họ sinh con rồi không có khả năng nuôi chúng.

Lý giải hành động ở tòa, bà Út nói không cố tình gây náo loạn. Chỉ vì bà cứ tưởng bản án sơ thẩm xong là người ta đem con trai bà đi bắn nên thương con, bà ào lại nhìn “núm ruột mình đẻ ra”. Bây giờ, khi đã biết còn kháng cáo, xét xử phúc thẩm nữa thì bà rất ân hận. Bà đã nộp cho tòa một lá đơn để xin lỗi và như bao người mẹ khác, bà mong con mình được sống. Nhưng, mọi chuyện đã không còn nằm trong quyền quyết định của bà Út. Con trai bà, bị cáo Hồ Duy Trúc vẫn phải nhận án tử hình, cho dù bị cáo chưa tước đoạt mạng sống của ai.

Hiện nay, vợ chưa cưới của Trúc đã sinh một đứa con. Bà Út lại bổ sung thêm một đứa cháu ở sạp bông, trái cây lay lắt ở chợ Phan Rang. Rằm tháng bảy, bán bông cho người đi chùa, bà lại ngậm ngùi vì thương con.

Có lẽ chẳng tử tù nào đeo lên ngực áo một bông hồng đỏ để vui sướng vì mình còn mẹ. Nhưng chắc chắn một điều, các tử tù đó vẫn yêu thương người mẹ tần tảo của mình. Khi một người còn trái tim biết yêu thương, quý trọng tình mẫu tử thì nên chăng người đời bao dung hơn, không gọi họ bằng cụm từ “mất nhân tính”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem