Clip ngôi đình cổ Lai Xá, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội. Thực hiện: Kiều Trang.
Đình Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau. Ngoài tên trong hồ sơ khoa học là Quán Lai Xá, nơi đây còn được gọi là Địa Linh Quán, người dân thì luôn nhớ với tên "Đình Quán" quen thuộc.
Di tích lịch sử nghệ thuật cấp thành phố
Đình làng Lai Xá thờ Thành hoàng làng là Trần Liễu - cha của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, anh ruột vua Trần Thái Tông. Di tích được xây dựng từ cuối thế kỉ XIII, nhiều lần tu sửa sau tàn phá của chiến tranh ở từng thời kỳ.
Ngôi đình Lai Xá được xếp hạng di lịch sử cấp thành phố Hà Nôi.
Ông Trường, nguyên là thủ từ đình Lai Xá cho hay, theo sử sách, năm 1234, Trần Liễu hành quân qua đất Lai Xá và dừng chân lập đồn trại, tuyển mộ binh lính. Sau này, ông xin miễn phu phen tạp dịch cho dân làng.
Ngày 15/2 năm Giáp Tuất (1274), lúc ấy dân làng đang có nạn dịch, Trần Liễu vào chùa làm lễ cầu an cho nhân dân, bố thí cho những người nghèo khó và giúp dân củng cố lại cuộc sống. Từ bấy giờ, làng Lai Xá được hưng thịnh. Bởi vậy, sau khi Trần Liễu mất, dân làng Lai Xá đã sửa sang lại ngôi miếu, thờ phụng.
Trải qua hàng trăm năm, người dân thôn Lai Xá vẫn luôn vâng theo mệnh cũ muôn đời hương hỏa, thờ Thành hoàng là Tiết chế Quốc công Trần Liễu - một trong những vị anh hùng dân tộc có công với nước với dân.
Đình Lai Xá hình thành từ vùng đất cổ kẻ Lai không chỉ có bề dày lịch sử mà còn là nơi ẩn chứa nhiều nét đẹp truyền thống văn hóa - nghệ thuật kiến trúc.
Nét kiến trúc độc đáo ở phía trên ngôi đình.
Năm 1990 và 1996, dân làng nơi đây đã dựng lại đình Lai Xá dựa trên nền đất cũ. Kể từ đó, đình Lai Xá là một trong những công trình còn tồn tại, lưu giữ được lối kiến trúc cổ xưa.
"Hằng năm, nhân dân Lai Xá tổ chức lễ hội vào ngày 15/2 âm lịch để kỷ niệm ngày Trần Liễu đến chùa Linh Bảo cầu nguyện cho dân làng. Ngoài ra vào những ngày cuối năm, những ngày Tết, dân làng vẫn dành thời gian đến đình để nghe giảng dạy lễ tế", ông Lương Văn Tuấn, thủ từ đình Lai Xá chia sẻ.
Năm 1990, Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng đình Lai Xá là di tích kiến trúc và nghệ thuật cấp Quốc gia. Năm 2003, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5444/QĐ-UBND xếp hạng Quán Lai Xá là di tích lịch sử – nghệ thuật cấp Thành phố.
Ngôi đình lưu giữ nhiều hiện vật cổ
Trong buổi lễ đón nhận bằng xếp hạng ngày 12/2/2023, ông Phạm Ngọc Lê - Chủ tịch UBND xã Kim Chung đã công bố nhiều hiện vật cổ đang được đình Lai Xá cất giữ và bảo quản.
"Trải qua thời gian dài tồn tại đến nay, đình Lai Xá vẫn bảo lưu được dáng vẻ của một kiến trúc cổ truyền, với quy mô truyền thống. Tại đây còn lưu giữ hệ thống các di vật gỗ như: Ngai thờ, bài vị, hoành phi, câu đối... Đây đều là những tác phẩm nghệ thuật mang đậm phong cách truyền thống, thể hiện tài năng sáng tạo điêu khắc của những người nghệ nhân thời đó", ông Lê thông tin.
Không chỉ vậy, đình Lai Xá còn giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: cuốn thần phả do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ hai (1572), 8 đôi câu đối, 3 bộ kiệu, 1 bộ long ngai bài vị, 2 bộ bát bửu, 1 nhang án và nhiều đồ tế tự bằng gốm, sứ.
Bia đá khắc ghi thông tin đình Lai Xá là di tích lịch sử văn hóa.
Đặc biệt hơn, đình còn bảo tồn được 1 quả chuông vốn ở chùa Bảo Tháp trong làng đúc năm Canh Ngọ, niên hiệu Tự Đức thứ 23 (1870). Đây không chỉ là một hiện vật lịch sử mà còn là một biểu tượng của tâm linh và truyền thống.
Theo người dân trong làng, sự đa dạng về chủng loại và chất liệu của hệ thống di vật tại đây không chỉ là niềm tự hào của xã Kim Chung mà còn là niềm tự hào của đất nước. Hằng ngày, dân làng vẫn luôn gìn giữ, bảo vệ di tích đình Lai Xá trước sự biến đổi của xu thế đô thị hóa. Điều này không chỉ làm tăng thêm giá trị lịch sử mà còn giúp du khách cảm nhận được không gian truyền thống, linh thiêng và bình dị của ngôi đình cổ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.