Muốn hay không cũng cần bỏ biên chế giáo dục

Hoàng Linh Thứ năm, ngày 25/05/2017 06:08 AM (GMT+7)
Biên chế trong ngành giáo dục đã hạn chế rất lớn sự phấn đấu vươn lên và triệt tiêu những thầy cô giỏi thật sự ngoài xã hội.
Bình luận 0

Trong buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ GD ĐT, Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay: Từng bước giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, tiến tới xóa bỏ biên chế trong các đơn vị công lập nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của người lao động để thuận lợi cho việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp.

Theo tôi, đây là việc lẽ ra phải làm từ lâu và ai công tác trong ngành giáo dục cũng thừa hiểu như vậy nhưng quyết sách này khi được nói ra từ vị tư lệnh ngành đã tạo nên cơn đại địa chấn trong ngành giáo dục. 

Vì sao vậy? Vì biên chế như là một cam kết xã hội mang tính pháp lý không nói ra nhưng ai cũng hiểu là tuy lương không cao song "vững" gần như đến lúc nghỉ hưu.

Định biên trong ngành giáo dục cũng có khoảng thời gian để thầy cô tái tạo năng lượng và đây là giờ vàng để làm thêm công việc khác để tăng thu nhập hoặc nhanh gọn hơn là dạy thêm.

Cảm giác này không thể sai vì chính tôi cũng từng nằm trong số đó.

Năm 1984, tôi tốt nghiệp đại học sư phạm và may mắn có biên chế tại một trường học ở TP.HCM. Từ đây đã có thể yên tâm về cả quãng đời còn lại với một công việc không thể bị mất.

Sự định biên "như sơn như núi này" đã hạn chế rất lớn sự phấn đấu vươn lên và triệt tiêu những thầy cô giỏi thật sự ngoài xã hội.

Thời gian gần đây có nhiều đồn đoán rằng phải “chạy” bộn tiền mới được một biên chế trong ngành giáo dục. Xóa biên chế như ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng là bước đầu xóa tiêu cực vì hợp đồng lao động là có thay đổi, tùy thuộc vào năng lực và căn cứ vào ý kiến của phụ huynh.

Thiết chế hội đồng giáo dục trong nhà trường sẽ là cơ sở để tuyển chọn với hình thức thi tuyển để lấy được thầy cô phù hợp với công việc nhất.

Hiện nay, số lượng giáo viên tốt nghiệp từ các trường đại học rất nhiều, đây là những giáo viên trẻ, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của ngành và xã hội nhưng đều không có việc làm do quy định về thi tuyển công chức của ngành giáo dục.

Theo đó, yêu cầu đòi hỏi là ngoài chuyên môn thì giáo viên phải có hộ khẩu thành phố, hộ khẩu tại địa phương nơi mong muốn được thi tuyển. 

img

Bỏ biên chế được kỳ vọng sẽ hạn chế tiêu cực trong ngành giáo dục. Ảnh: Ngọc Thọ

Do vậy, khi bỏ biên chế trong ngành giáo dục sẽ xóa bỏ các “rào cản” trong quy trình tuyển dụng và tạo cơ hội cho những giáo viên đủ năng lực, có trình độ chuyên môn cao được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Hơn nữa, việc bỏ biên chế trong ngành giáo dục sẽ tạo động lực cho những giáo viên hiện đang công tác phải thay đổi cách làm việc, thay đổi cách suy nghĩ “hết ngày, hết giờ là về”. Giáo viên phải tự học tập để nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu công việc. 

Tuy nhiên, trong cuộc đối thoại vào tháng 8 năm ngoái với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Giáo sư Ngô Bảo Châu bày tỏ sự tán đồng nhưng cũng lưu ý đặc thù của bậc đại học:

"Tôi đồng ý với Bộ trưởng Nhạ.

Nhưng tôi nghĩ việc này cần một sự thận trọng nhất định. Bởi, xét trên bình diện thế giới thì hầu hết giảng viên đại học cỡ giáo sư là được biên chế. Đối tượng nhắc đến là “sau tiến sĩ”, được tuyển dụng xong thì đều có biên chế cả.

Điều này với mỗi cá nhân họ, có một phần là sự đánh đổi. Thường thì những người làm giảng dạy có thu nhập thấp hơn những người đi làm kinh tế. Đổi lại, họ có một sự an toàn về công việc.

Vấn đề thứ nữa là khi có biên chế, giáo sư đại học cảm thấy mình là người chủ của trường đại học.

Ở những trường đại học top đầu của Mỹ, ông hiệu trưởng không "dạy" được những ông giáo sư đâu. Hiệu trưởng không thể nói: “Ngày mai ông giáo sư nào đó làm gì cho tôi".

Bởi đơn giản ông giáo sư có biên chế. Chỉ trừ trường hợp ông ấy có vấn đề gì đó, hiệu trưởng mới có quyền đuổi việc giáo sư.

Thế nên, có lẽ việc thay đổi viên chức rộng rãi cho cả giáo viên đại học và phổ thông, cá nhân tôi cho rằng nên hết sức thận trọng.

Tất nhiên, chúng ta muốn một môi trường năng động hơn. Nhưng không lẽ, một giáo viên phổ thông đã 40 - 45 tuổi mà lại có thể bị ngừng hợp đồng làm việc một cách dễ dàng chỉ đơn thuần họ không đáp ứng được nhu cầu hay sao?

Về mặt logic, hoàn toàn có thể làm thế. Nhưng đó cũng là vấn đề không hề đơn giản, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục".

Vâng, cho dù còn có ý kiến lo lắng, dè chừng nhưng xu hướng xã hội và trong ngành giáo dục là ủng hộ việc xóa biên chế nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, tạo sự công bằng.

Việc sắp xếp không phải giảm biên chế  hay tiết kiệm tiền mà mục đích là nâng cao chất lượng giáo dục, trên cơ sở cơ cấu lại, tổ chức lại những gì bất hợp lý; tháo gỡ những tắc nghẽn, thậm chí có nhiều việc không cần đến tiền. Vậy sao chúng ta không làm?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem