Chuyên gia kinh tế quốc tế: Muốn xuất khẩu sang Mỹ bền vững, Việt Nam cần phải hạn chế "mặt trái" này

Ngọc Diệp Thứ ba, ngày 19/09/2023 06:00 AM (GMT+7)
Tiến sỹ Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế quốc tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, để giữ được lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu, Việt Nam cần sớm khắc phục "mặt trái", đó là hoạt động sản xuất sử dụng quá nhiều năng lượng.
Bình luận 0

Chuyến thăm Việt Nam cấp Nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden hai ngày 10 - 11/9 và lãnh đạo cấp cao 2 nước đã nâng cấp quan hệ hai nước từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện thu hút sự quan tâm đặc biệt của chính giới và doanh nghiệp hai nước. 

Chuyên gia kinh tế quốc tế: Muốn xuất khẩu sang Mỹ bền vững, Việt Nam cần phải hạn chế "mặt trái" này - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Phủ Chủ tịch chiều ngày 10/9/2023

Nhân sự kiện này, trao đổi với Dân Việt, Tiến sỹ Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế quốc tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã có một số bình luận về tình hình quan hệ kinh tế - đầu tư giữa hai nước cũng như nhận diện về những thách thức mà Việt Nam cần phải giải quyết trong thời gian tới.

Tiến sỹ Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế quốc tế cao cấp của UNDP nhấn mạnh cam kết của Việt Nam với chủ nghĩa đa phương đã giúp đóng góp quan trọng cho hòa bình và an ninh cũng như tăng trưởng kinh tế. Việt Nam là thành viên tích cực trong Liên hợp quốc (UN) cũng như nhiều tổ chức khu vực khác ví như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hay Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và nhiều tổ chức, hiệp hội khác. Cùng lúc đó, Việt Nam cũng rất cố gắng để xây dựng các mối quan hệ song phương với nhiều nước, trong đó có Mỹ.

Xuất khẩu sang Mỹ, Việt Nam cần phải "xanh hóa" chuỗi cung ứng cũng như ngành nông nghiệp

Tính từ khi Mỹ và Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, quan hệ kinh tế giữa hai nước đã tăng cường về tầm quan trọng. Mỹ hiện giờ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời Mỹ cũng là một nhà đầu tư quan trọng.

Ông Pincus nhận xét hiệp định Thương mại Song phương Mỹ - Việt Nam được ký kết vào năm 2001 có thể coi như bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam, nó góp phần quan trọng giúp Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Hai nước đã ký kết Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (IFCA) vào năm 2007. Ngoài ra, hai nước cũng đã hợp tác với nhau sâu sắc hơn trong lĩnh vực giáo dục văn hóa, khoa học kỹ thuật, phát triển bền vững, chuyển dịch năng lượng, quốc phòng… những lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược với Việt Nam.

Cũng theo ông Pincus, tất cả những lĩnh vực này quan trọng trong những thập kỷ tới khi mà Việt Nam đang cố gắng vươn đến vị thế nước thu nhập trung bình cao và sau đó đến thu nhập cao. Cụ thể hơn, tất cả các lĩnh vực này rất quan trọng giúp đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu, vốn rất quan trọng với quá trình phát triển của Việt Nam.

Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa quan trọng, tuy nhiên để có thể giữ được lợi thế cạnh tranh, Việt Nam cần làm tốt quá trình dịch chuyển từ việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Ông Pincus nhấn mạnh Liên minh châu Âu (EU) cũng đã có kế hoạch đánh thuế các bon, nhiều nước khác chắc chắn cũng sẽ hành động tương tự. Việc xanh hóa chuỗi cung ứng cũng như ngành nông nghiệp hiện cần là ưu tiên hàng đầu của cả Việt Nam và Mỹ.

Chuyên gia UNDP chỉ ra mặt trái của thành công trong xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Jonathan Pincus

Ông Jonathan Pincus khẳng định khoa học và công nghệ giờ đây đang ở vị trí cốt lõi trong quan hệ Việt Nam - Mỹ. Việt Nam đứng thứ năm trên thế giới trong nhóm những nước gửi nhiều nhất sinh viên quốc tế đến Mỹ học. Trong xếp hạng này, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Canada. Mối quan hệ giữa các trường đại học Việt Nam và Mỹ ngày một khăng khít hơn.

Tiến sỹ Jonathan Pincus chỉ ra "điểm chết" trong xuất khẩu của Việt Nam cần phải điều chỉnh

Ngày một nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các ngành công nghệ cao tại Việt Nam, tuy nhiên theo khẳng định của phần lớn các chuyên gia, tình trạng thiếu kỹ sư và nhà khoa học trình độ cao vẫn là lực cản tăng trưởng đầu tư.

Cả hai chính phủ Mỹ và Việt Nam đều thừa nhận tầm quan trọng của việc tăng cường đầu tư vào khoa học và công nghệ của Việt Nam, trong đó chú trọng xét đến quy mô và chất lượng của các cơ sở giáo dục trình độ cao, ngoài ra là tăng cường năng lực nghiên cứu.

Nếu tính trong tương quan với GDP, tỷ lệ chi của Việt Nam cho giáo dục trình độ cao hiện mới chỉ chưa bằng nửa so với Malaysia và Ấn Độ. Hay nói một cách khác, tổng mức tiền chi tiêu vào nghiên cứu và phát triển của Malaysia hiện cao gấp đôi so với Việt Nam, tính theo tỷ lệ tương quan với tổng GDP, theo số liệu mà ông Pincus có được.

Ngoài ra, ông Pincus cho rằng Việt Nam cũng cần chú ý đến biến đối khí hậu cũng như dịch chuyển năng lượng. Việt Nam là một trong những nước dễ chịu tổn thương nhất từ những vấn đề liên quan đến mực nước biển dâng cao và các sự kiện thời tiết cực đoan. Hiện đã có tính toán rằng khoảng 3 triệu người sẽ rời khỏi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do tình trạng xâm nhập mặn và nước biển dâng cao.

Thực tế này sẽ tạo ra nhiều áp lực lên hạ tầng và dịch vụ đô thị. Sẽ cần đến nhiều công nghệ nông nghiệp mới nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm nội địa và xuất khẩu. Việc Mỹ và Việt Nam tăng cường hợp tác trong công nghệ nông nghiệp, trong đó có trồng cây, canh tác nông nghiệp và nông nghiệp đô thị sẽ phát triển trong những năm tới.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP chỉ ra mặt trái của thành công trong xuất khẩu của Việt Nam chính là hoạt động sản xuất sử dụng quá nhiều năng lượng. Tỷ lệ sử dụng năng lượng, hay còn gọi là mức độ tiêu thụ năng lượng trên mỗi đơn vị GDP, tại Việt Nam cao hơn tại bất kỳ nước nào trong khu vực Nam hay Đông Nam Á.

Khi mà chính phủ các nước giàu áp thuế để giảm tối đa hiệu ứng nhà kính, xuất khẩu của Việt Nam dễ đương đầu với tình trạng cạnh tranh từ nhiều nước đã áp dụng thành công các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Sự hợp tác của Mỹ và Việt Nam trong việc phát triển những nguồn năng lượng tái sinh, hiện đại hóa chuỗi phân phối và dịch chuyển năng lượng rất quan trọng với tương lai kinh tế của Việt Nam.

Tiến sĩ Jonathan Pincus, một nhà kinh tế học phát triển nổi tiếng chuyên về các quốc gia Đông Nam Á. Ông đã đảm nhiệm các công việc giảng dạy ở Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ và nhiều vai trò cố vấn chính sách cho các tổ chức đa phương ở Việt Nam, Indonesia, Philippines và Myanmar. Ông từng là Giám đốc đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP), tiền thân của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) từ năm 2008 đến 2013, và giúp thành lập Viễn Quỹ Rajawali về châu Á tại trường Harvard Kennedy. Tại Indonesia, ông đã làm việc với các nhà thiện nguyện và các trường đại học để tạo ra một mạng lưới các viện nghiên cứu chính sách công và khoa học xã hội liên kết với Đại học Northwestern ở Hoa Kỳ và Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi ở London.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem