Dân chơi cờ tướng ít nhiều cũng có nghe biết đến Đế Thích là một nhân vật thần thoại giỏi chơi cờ tướng, có người còn cho đó là “Tổ cờ tướng”. Nhưng phải đâu người chơi cờ giỏi chỉ là nam giới! Chuyện kể dân gian sau đây do Đỗ Viết Lăng ghi lại, tuy mang tính huyền thoại nhưng không thể không làm cho các nam kiện tướng …nghiêng mình.
Người lớn chơi đánh cờ tướng (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)
Các cụ ở vùng Thọ Sơn (Thanh Hóa) thường kể cho nghe một giai thoại về cờ tướng đầy hấp dẫn và lý thú như sau:
Thuở ấy, có chàng trai họ Lê, là hậu duệ của Lê Lợi, và cô gái họ Nguyễn là hậu duệ của Nguyễn Trãi. Qua các kỳ lễ hội thi hát truyện Kiều và đấu cờ tướng, đôi trai tài gái giỏi ấy đã nên vợ nên chồng.
Ở vùng bên, có một danh thủ cờ tướng, ông thường nói: “Đời tôi đấu cờ tướng, chỉ có được, cùng lắm là hòa, chứ chưa thua ai bao giờ!”.
Hội Xuân năm ấy, là dịp tốt cho các “địch thủ kỳ phùng”.
Vào cuộc, người vợ giỏi cờ hơn nhưng vì lịch sự, nhường cho chồng trực tiếp cầm quân đấu cờ với khách quý. Đánh được một lúc, cờ của chồng lâm vào thế bí, cô vợ đứng ngoài biết là chỉ có hạ mã thì mới cứu được nước cờ. Cô vội nhả miếng trầu rồi khẽ ngâm bâng quơ một câu Kiều lẩy:“Nẻo xa mới tỏ mặt người”…
Người chồng nhớ ngay đến câu sau: “Khách đà xuống ngựa đến nơi tự tình”. Hiểu ý vợ mách nước, anh chàng nhấc ngay con mã (ngựa) lui về ôm chân tướng. Thế cờ trở lại bình thường.
Một lát sau, nhìn thế cờ của chồng, nếu không thượng mã sẽ bị đối thủ bắt mất ngay. Nguy đến nơi! Cô vợ làm như vô tình ngâm câu: “Bóng tà như giục cơn buồn”…
Anh chàng liền nhớ đến câu sau: “Khách đà lên ngựa người còn ghé theo!”. Anh chàng kịp thời thượng mã mở đường tấn công.
Chừng nửa giờ sau, đối thủ của chồng đã tạo được thế cờ mới, nhằm bắt con xe của chồng nhưng chồng lại đi con tốt (chốt), chứ không biết là mất xe đến nơi. Cô vợ lo quá vội ngâm câu: “Đùng đùng gió giục mây vần”…
Anh chàng chợt nhớ ra, toát mồ hôi, nhắc ngay con xe lao thẳng lên phía trước, vì nhớ đến câu: “Một xe trong cõi hồng trần như bay”.
Kết cục ván cờ ấy hai bên chấp nhận hòa.
Chơi cờ, cốt lấy mưu trí để tranh tài cao thấp, rất thích hợp với những người lớn tuổi, phong lưu, tính tình trầm lặng. Nói là tiêu khiển nhưng thực chất việc chơi cờ rất buồn tẻ và mệt trí!
Cuộc chơi chỉ hai đấu thủ. Người xem cũng khá hạn chế, vì nếu không biết chơi thì nhìn vào, chẳng hiểu họ đang làm gì, nghĩ gì, bởi không ai nói tiếng nào, thỉnh thoảng chỉ thấy họ thở ra một hơi dài như để lấy sức bình sinh, cho tỉnh trí và “sáng mắt”. Đôi khi họ lầm bầm vài tiếng rất khẽ, như chỉ cho chính mình nghe!
Đã có không ít người mù vẫn “sáng mắt” khi chơi cờ. “Giác quan thứ sáu” đã giúp họ nhận biết từng con cờ, từng thế trận trên bàn cờ mà không cần sờ tay vào. Họ “đi” cờ bằng cách nói, người khác chỉ việc dời dùm theo đúng ý họ.
Các kỳ phùng địch thủ là những người có bộ óc cực kỳ đặc biệt. Họ có thể nhớ năm bảy nước cờ đã đi, đồng thời cũng có khả năng sắp sẵn trong đầu những phương án công hoặc thủ. Mỗi phương án có khi là một chuỗi dài hàng chục nước cờ, vì vậy nếu đối phương “sa bẫy” theo tính toán thì nhất định họ sẽ giành phần thắng.
Bàn cờ tướng - Bên đỏ vô pháo đầu
Cờ tướng là một môn giải trí mang tính trí tuệ cao, nó đã thực sự làm mê hoặc rất nhiều người. Dưới mắt học giả F. de Saussure (ông tổ cơ cấu luận về ngôn ngữ học của Pháp, mất năm 1913): “Cờ tướng cũng có “mẹo luật” như ngôn ngữ. Bàn cờ có một số quân cờ nhất định. Nhưng thế cờ là một tình trạng của bàn cờ ở giữa một ván cờ. Một nước cờ vừa đi thường chỉ di chuyển một quân cờ. Thế mà nước cờ đã rung động tất cả hệ thống; người chơi cờ không thể tiên liệu chính xác những giới hạn của hiệu quả nước cờ. Có nước cờ khả dĩ cách mạng toàn bộ ván cờ và phát sinh ra nhiều hậu quả cho những quân cờ lúc trước ở ngoài cuộc (…). Sự di chuyển của quân cờ là một sự kiện tách biệt đối với tình thế của ván cờ trước và sau đấy. Chuyện xảy ra trước đấy chẳng còn quan hệ, chỉ có thế cờ hiện tại mà thôi. Tuyệt đối chẳng quan hệ gì cái nẻo này hay cái lối khác đã dẫn tới cái thế cờ đó, người đã theo dõi ván cờ từ đầu chẳng lợi hơn chút nào so với kẻ tò mò vừa đến quan sát thế cờ giữa lúc kịch liệt. Để diễn tả cái thế cờ đó, thực hoàn toàn vô ích việc nhắc lại chuyện vừa xảy ra mười giây trước đó”. (Cours de Linguistique géneral, dẫn lại từ Cửa vào phong tục Việt Nam).
Ngoài cờ tướng, dân gian còn chơi hàng chục loại cờ khác đơn giản hơn như cờ chó, cờ nhào, cờ cá ngựa, cờ quan, cờ gánh, cờ đại phú v.v. Tuy cờ là một thành tố của cặp từ cờ bạc, nhưng trong những ngày Tết hầu như người ta không chơi cờ trong mục đích sát phạt bằng tiền, nhất là các em nhỏ, nếu có chỉ tượng trưng cho thêm phần hào hứng, không đáng kể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.