Mỹ bắt đầu tung nhiều bảo bối chiến trường đến Ukraine
Mỹ bắt đầu tung nhiều bảo bối chiến trường đến Ukraine
Tuấn Anh (Theo Al Jazeera)
Chủ nhật, ngày 13/03/2022 05:52 AM (GMT+7)
Quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Washington đang gửi các mặt hàng nhạy cảm cao như hệ thống phòng không di động tới Ukraine. Đây đều là những "bảo bối" chiến trường đánh đâu thắng đó mà Mỹ từng ghi nhận.
Theo Al Jazeera, Mỹ và NATO đang vận chuyển vũ khí vào Ukraine với tốc độ chóng mặt, bao gồm các mặt hàng có độ nhạy cao như tên lửa vác vai được gọi là hệ thống phòng không di động (MANPADS) có thể hạ gục máy bay.
Vũ khí của phương Tây sẽ có mặt ở Ukraine trong những giờ tới để giúp người Ukraine chiến đấu với quân đội Nga. Tuy nhiên, phương Tây cũng đã tính đến những rủi ro như số vũ khí này sau khi chuyển đến Ukraine có thể bị rơi vào tay đổi thủ.
"Thành thật mà nói, chúng tôi tin rằng rủi ro là không tránh khỏi nhưng cũng phải chấp nhận ở thời điểm này, bởi vì người Ukraine đang chiến đấu rất tài tình với các công cụ theo ý của họ và họ đang sử dụng chúng một cách sáng tạo", Al Jazeera dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết.
Các tên lửa có tính cơ động cao như tên lửa đất đối không Stinger, là một loại MANPAD, có thể giúp giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh, nhưng trước đây, chúng cũng đã bị thất lạc, bị bán hoặc bị chôn vùi trong kho vũ khí của các nhóm vũ trang.
Ví dụ, hàng trăm khẩu Stinger do Mỹ cung cấp được coi là chìa khóa giúp phiến quân mujahideen đánh đuổi lực lượng Liên Xô ra khỏi Afghanistan trong cuộc xung đột kéo dài những năm 1980 và 1990.
Nhưng sau đó, Mỹ đã dành nhiều năm để cố gắng thu hồi các MANPADS không được sử dụng từ quốc gia đó và các khu vực xung đột khác trên thế giới.
Trong một nghiên cứu do Lầu Năm Góc tài trợ vào năm 2019, tổ chức nghiên cứu RAND Corporation ước tính rằng có tới 60 máy bay dân dụng đã bị tấn công bởi MANPADS kể từ những năm 1970, khiến hơn 1.000 dân thường thiệt mạng. Tính đến năm 2019, 57 nhóm vũ trang phi nhà nước đã được xác nhận sở hữu hoặc nghi ngờ sở hữu MANPADS.
RAND Corp cho biết Nga là "nước xuất khẩu lớn nhất của MANPADS", với hơn 10.000 hệ thống được bán từ năm 2010 đến 2018 cho các quốc gia bao gồm Iraq, Venezuela, Kazakhstan, Qatar và Libya.
Mỹ và NATO không tiết lộ có bao nhiêu MANPADS đã được chuyển giao cho Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc chiến của Nga và Ukraine.
Cho đến nay, Nga không nhắm vào các đoàn xe vũ khí của phương Tây đang tiến vào Ukraine và quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết Washington chưa thấy hàng tồn kho nào do phương Tây cung cấp rơi vào tay Nga. Nhưng điều đó có thể thay đổi.
"Một bước đi nguy hiểm"
Ngày 12/3, Nga cho biết quân đội của họ có thể nhắm mục tiêu vào nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây ở Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói với đài truyền hình nhà nước rằng, Moscow đã cảnh báo về hậu quả của việc chuyển giao các loại vũ khí như hệ thống phòng không di động, hệ thống tên lửa chống tăng cho Ukraine. "Đây là những hành động thiếu suy nghĩ", ông Ryabkov nói.
Ông Ryabkov cho biết Washington đã không coi trọng những cảnh báo của Moscow, đồng thời cho biết thêm Nga và Mỹ không tổ chức bất kỳ "quy trình đàm phán" nào về Ukraine.
Tại cuộc họp ngày 10/3 của Hội đồng An ninh Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu đã nói về khả năng tịch thu vũ khí chống tăng Javelin và Stingers do phương Tây sản xuất trong tương lai. Ông nói, chúng nên được giao cho các lực lượng do Nga hậu thuẫn ở khu vực ly khai Donbas, miền đông Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công khai ủng hộ ý tưởng này. Ông Putin nói: "Tôi ủng hộ khả năng giao những vũ khí này cho các đơn vị quân đội của các nước cộng hòa nhân dân Lugansk và Donetsk".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.