Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ sang thăm Mỹ tháng 9 tới.
Tờ New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, sự hiện diện của các điệp viên ngầm của Bắc Kinh trên đất Mỹ là một phần của chiến dịch có phạm vi toàn cầu nhằm hồi hương các quan chức, công chức Trung Quốc bỏ trốn ra nước ngoài để chạy tội và thu hồi những khối tài sản bất chính.
Chương trình này có mật danh là Operation Fox Hunt (Chiến dịch săn cáo của Bắc Kinh). Theo New York Times, các gián điệp chìm của Trung Quốc hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an Trung Quốc. Họ có thể nhập cảnh vào Mỹ bằng visa du lịch hoặc thương mại.
Chiến thuật của họ bao gồm việc đe dọa các thành viên gia đình, người thân, bạn bè đang sống tại Mỹ của những quan chức, công chức bỏ trốn để chạy tội. Theo New York Times, một số người đã bị hồi hương bằng các biện pháp bất hợp pháp.
Do đó, Bộ ngoại giao Mỹ đã gửi cảnh báo tới các quan chức Trung Quốc về các hoạt động trên. Cảnh báo của Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng chiến dịch săn cáo, phản ánh sự tức giận đang ngày càng leo thang ở Washington về chiến thuật đe dọa mà các điệp viên chìm của Trung Quốc sử dụng.Kể từ năm ngoái, "chiến dịch săn cáo" đã giúp Bắc Kinh hồi hương hơn 930 nghi phạm, theo số liệu của Bộ Công an Trung Quốc.
Những người bị săn đuổi trong khuôn khổ "chiến dịch săn cáo" của Bắc Kinh là các nghi phạm tham nhũng, gian lận về kinh tế hoặc những đối tượng bị xem là tội phạm chính trị.
Một quan chức Mỹ tiết lộ, các điệp viên chìm của Trung Quốc đang theo dõi hoạt động của Ling Wancheng, một doanh nhân giàu sụ và có nhiều mối quan hệ chính trị đã đào tẩu sang Mỹ hồi năm ngoái. Hiện Ling đang sống tại biệt thự xa hoa ở Sacramento, California (Mỹ).
Trước đó, truyền thông Trung Quốc đã công bố danh sách 100 nghi phạm bị nước này truy nã gắt gao nhất trên toàn thế giới. Những người trong danh sách bị truy nã từ một cựu phó thị trưởng, quan chức các cấp, lãnh đạo doanh nghiệp cho tới các công chức công ty nhà nước.
Trung Quốc và Mỹ không có hiệp ước dẫn độ và các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ không tiết lộ liệu cảnh báo của Washington có kèm theo bất cứ đe dọa trừng phạt nào hay không.
Hiện cũng chưa rõ chính quyền Obama có ý định trục xuất các gián điệp chìm của Trung Quốc khỏi Mỹ hay không. Tuy nhiên, Cục điều tra liên bang (FBI) cũng như Bộ An ninh Nội địa Mỹ vẫn đang ra sức theo dõi hoạt động của các điệp viên Trung Quốc bí mật trên đất Mỹ.
Mark Toner, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối xác nhận cảnh báo nói trên song nhấn mạnh rằng "nhìn chung, các nhân viên thực thi pháp luật nước ngoài không được phép hoạt động trên đất Mỹ mà không thông báo trước cho tổng chưởng lý".
Ông Mark cảnh báo, "một cá nhân, không phải là nhân viên ngoại giao chính thức hoặc tùy viên lãnh sự làm việc cho một nước thứ 3 trên đất Mỹ mà không báo trước cho tổng chưởng lý là hành vi phạm tội hình sự".
Marc Raimondi, một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ bình luận, Mỹ không phải là "thiên đường an toàn" cho những người đào tẩu từ bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, Mỹ sẽ chỉ giúp Trung Quốc "săn cáo" nếu Bắc Kinh cung cấp đủ chứng cứ phạm tội của họ tới cơ quan Tư pháp.
Mỹ, Canada, Úc và New Zealand được xem là "thiên đường" mà nhiều quan tham Trung Quốc tìm đến lánh nạn sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi".
Tháng 12 năm ngoái, 2 cảnh sát Trung Quốc đã tiến hành hoạt động bắt giữ trái phép tại Úc mà không thông báo, không nhận được sự cho phép của giới chức địa phương. Họ đã bay tới Melbourne từ tỉnh Sơn Đông, miền Đông Bắc Trung Quốc để "săn đuổi" một quan chức tham nhũng.
Giới chức trách Úc đã gửi giấy triệu tập tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra để bày tỏ sự không hài lòng của họ, theo một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.