Mỹ chỉ "sợ" tàu ngầm phi hạt nhân của Trung Quốc?

Thứ năm, ngày 19/12/2013 06:46 AM (GMT+7)
Chuyên trang quân sự Strategypage cho hay, trong số 39 quốc gia sở hữu tàu ngầm điện-diesel thì chỉ có 3 quốc gia gồm Trung Quốc, Iran và Triều Tiên có đội tàu ngầm phi hạt nhân khiến Mỹ phải e dè. Đáng ngại nhất là hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc.
Bình luận 0
Theo phân tích của Strategypage, mặc dù tàu ngầm hạt nhân có nhiều điểm ưu trội hơn tàu ngầm điện-diesel như khả năng trang bị thiết bị điện tử, tốc độ nhanh, hoạt động lâu hơn nhưng không thể phủ nhận những tiện lợi của tàu ngầm phi hạt nhân.

Vì tàu ngầm điện-diesel rẻ hơn tàu ngầm hạt nhân từ 60-85% và có độ ồn thấp hơn nhiều khiến chúng khó bị phát hiện trong các vùng nước ven biển và ở các đại dương.

Chính sự tĩnh lặng của tàu ngầm điện-diesel hiện đại đã đặt tàu ngầm hạt nhân và các tàu chiến nổi vào thế cực kỳ bất lợi, đặc biệt ở các vùng nước ven biển. Đây được xem là một vấn đề lớn đối với Mỹ, một quốc gia đã thiết lập hạm đội tàu ngầm hạt nhân từ những năm 1960.

Tàu ngầm tấn công Type 033 của Trung Quốc
Tàu ngầm tấn công Type 033 của Trung Quốc

Để đối phó với tàu ngầm phi hạt nhân, Hải quân Mỹ đã nghiên cứu trong suốt hơn một thập kỷ trong chương trình chống tàu ngầm ASW từ những năm 1990 nhằm đối phó với các mối đe dọa tàu ngầm thời hậu Chiến tranh Lạnh. Mỹ đã sử dụng các tàu ngầm phi hạt nhân để huấn luyện Hải quân trong những kích bản chống tàu ngầm.

Một trong các tàu ngầm phi hạt nhân hiện đại mà Mỹ thuê của Thụy Điển trong những năm 2005-2007 là tàu ngầm Gotland tải trọng 1.500 tấn, có thủy thủ đoàn 25 người và đặc biệt có hệ thống đẩy không khí độc lập AIP cho phép tàu chạy rất êm dưới nước khiến đối phương rất khó phát hiện. Trước đó, Mỹ cũng từng dành nhiều năm để huấn luyện chống tàu ngầm điện-diesel của Australia.

img
Tàu ngầm Sang-O của Triều Tiên

Trải qua quá trình này, Mỹ phát hiện ra các tàu ngầm AIP có nhiều lỗ hổng. Chính công nghệ AIP đã tạo ra nhiều tiếng ồn và sinh nhiệt nhiều hơn so với tàu ngầm chỉ sử dụng pin. Những tàu ngầm này có thể bị phát hiện bằng những công nghệ cảm biến hiện nay (sonar, nhiệt từ, hóa chất). Đặc biệt, hệ thống sonar của tàu ngầm hạt nhân SSN lớp Virginia mới của Mỹ đã được tinh chỉnh để tìm diệt tốt hơn tàu ngầm điện-diesel và AIP.

Tuy nhiên, điều khiến Mỹ lo ngại đó là các đối thủ tiềm năng đang xây dựng thêm nhiều tàu ngầm điện-diesel với công nghệ cao và đào tạo thủy thủ có thể nghe lén tàu chiến. Trong khi đó phòng thủ Mỹ lại đang ì ạch về những vấn đề kỹ thuật hiệu quả hơn để phát hiện ra các tàu điện-diesel vùng nước ven biển. Mỹ lo ngại, Trung Quốc có khả năng đào tạo tàu ngầm điện-diesel khiến tàu ngầm, tàu nổi và máy bay của Mỹ khó mà quẫy nhiễu được.

Tờ Strategypage nhận định, với 39 quốc gia đang sở hữu tổng số 400 tàu ngầm diesel điện hiện nay, thì chỉ có 3 quốc gia (Trung Quốc, Iran, Triều Tiên) có khả năng sử dụng tàu ngầm của họ chống lại Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ. Trong đó, Trung Quốc có 50 chiếc, Iran có 3 chiếc cộng với 25 tàu ngầm mini và Triêu Tiên có 20 chiếc cộng với 50 tàu ngầm mini. Mỹ có thể rất lo lắng về lực lượng 150 chiếc tàu ngầm điện-diesel này dù một nửa trong số chúng đã lão hóa và độ ồn cao.

Đáng lưu ý, trong khi đội tàu của Triều Tiên và Iran đang suy giảm thì ngược lại Trung Quốc vẫn đang đổ thêm tiền vào lực lượng tàu ngầm. Tờ Strategypage cho rằng, nếu có bất kỳ sự quan tâm nào của Mỹ tới các tàu ngầm điện-diesel thì đó vì Trung Quốc. Song song với việc phát triển tàu ngầm hạt nhân đẳng cấp thế giới, Trung Quốc cũng đang tiến tới việc tạo các tàu điện-diesel mang đẳng cấp thế giới.
Văn Biên (theo Strategypage) (Văn Biên (theo Strategypage))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem