Báo Nga: Tiêm kích hải quân Trung Quốc chỉ “săn” được tàu ven bờ

Thứ sáu, ngày 13/12/2013 12:56 PM (GMT+7)
Đó là nhận định trong bài phân tích “Tương lai hải quân Trung Quốc” mới được đăng tải trên tờ báo quân sự Nga Topwar.ru ngày 12.12.2013.
Bình luận 0
Theo bài báo, trong những năm gần đây, Bộ Quốc phòng Trung Quốc rất chú trọng đến sự phát triển của lực lượng hải quân, trong đó có không quân hải quân. Nhưng để xoay chuyển lực lượng thì hải quân Trung Quốc cần một thời gian dài nữa.

Máy bay đổ bộ đa dăng Harbin SH-5
Máy bay đổ bộ đa dăng Harbin SH-5

Hiện nay hải quân Trung Quốc trang bị máy bay không có mấy khác biệt so với lực lượng Không quân. Chỉ có sự khác biệt chú ý ở chỗ là sự hiện diện của máy bay đổ bộ đa năng Harbin SH- 5, máy bay trực thăng Ka-31 và Changhe Z-8.

Tuy nhiên, dựa vào đội ngũ sẵn có này, máy bay hải quân Trung Quốc có lẽ không thể đối phó hiệu quả với tàu ngầm của đối phương. Mặc dù Trung Quốc đã có hơn 50 trực thăng chống tàu ngầm. Trong số này, một số được sản suất trong nước và một số được mua từ Nga. Nhưng các trực thăng đó chỉ có thể tuần tra và tìm kiếm tàu ngầm đối phương ở khoảng cách vài chục cây số từ các căn cứ trên đất liền hoặc tàu sân bay.

Tờ Topwar.ru đánh giá, với hiệu suất như thế thì khả năng chiến đấu của máy bay trực thăng chống tàu ngầm có hạn chế đáng kể. Tất cả những chiếc trực thăng này không cho phép kiểm soát một khu vực rộng lớn của Thái Bình Dương cũng như ngay cả các vùng biển xung quanh lãnh thổ Trung Quốc.

Máy bay ném bom tầm xa H-6D
Máy bay ném bom tầm xa H-6D

Kể cả khi lực lượng hải quân Trung Quốc trong tương lai có thể triển khai chiến đấu cơ từ tàu sân bay nhưng hiện tại Hải quân nước này chỉ vỏn vẹn có một tàu sân bay. Điều đó có nghĩa rằng, không quân hải quân Trung Quốc sẽ khó có khả năng bảo vệ các tàu ở khoảng cách xa lớn so với các căn cứ ở bờ biển.

Một điều lưu ý rằng các máy bay ném bom được xem là nền tảng của Hải quân Trung Quốc, bao gồm các chiến đấu cơ như Chengdu J-10, Shenyang J-11, Xian JH-7, Shenyang J-8 và Su-30MK2 sản xuất tại Nga. Con số những chiếc này có thể lên đến vài chục có khả năng đánh chặn trên không hay tấn công tàu của đối phương với khoảng cách lên đến vài trăm km từ căn cứ.

 Trong tương lai gần Trung Quốc mới chỉ tìm diệt tàu đối phương ở khoảng cách gần
Trong tương lai gần Trung Quốc mới chỉ tìm diệt tàu đối phương ở khoảng cách gần

Không chỉ vậy, một số máy bay ném bom còn có thể mang theo tên lửa chống tàu làm tăng đáng kể phạm vi tác chiến. Chẳng hạn như tên lửa C-802 có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 120 km, RCCC-805 bắn ở khoảng cách 500 km. Như thế bán kính chiến đấu của máy bay ném bom JH-7 có thể trong phạm vi 1000-1500 km.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có một số loại máy bay ném bom tầm xa như Xian H-6D có khả năng mang tên lửa chống tàu C-301, C-101 diệt mục tiêu ở khoảng cách hơn 2000 km. Nếu cần thiết H-6D còn có thể tăng bán kính chiến đấu nhờ sự hỗ trợ của các máy bay tiếp nhiên liệu. Song đây cũng chính là nhược điểm của máy bay ném bom tầm xa vì nó đòi hỏi phải có sự hộ tống thường xuyên trong khi tác chiến. Hơn nữa số máy bay loại H-6D lại có số lượng nhỏ.

Tờ Topwar.ru cho rằng, trong thực tế, không quân hải quân Trung Quốc vẫn chỉ có thể tác chiến trong vùng bờ biển vài trăm km. Trong tương lai gần lực lượng này mới chỉ thực hiện được việc tìm diệt tàu và bảo vệ các căn cứ ven biển. Không quân, hải quân Trung Quốc sẽ mạnh hơn khi họ triển khai được hàng loạt các tàu sân bay. Song đó vẫn còn là tương lai xa.
Minh Nhân (theo Topwar.ru) (Minh Nhân (theo Topwar.ru))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem