Mỹ đã tụt hậu về vũ khí siêu thanh so với Nga như nào?

Mai Nguyên Thứ ba, ngày 10/05/2022 21:50 PM (GMT+7)
Cách đây chưa lâu, một lần nữa Mỹ công khai thừa nhận bị tụt hậu so với Nga trong lĩnh vực công nghiệp quân sự, cụ thể là vũ khí siêu thanh. Sự thừa nhận này, mặt nào đó gây tò mò về sức mạnh vũ khí siêu thanh của Nga tới đâu mà có thể “vượt mặt” được siêu cường quân sự Mỹ?
Bình luận 0

Cách đây không lâu, người phát ngôn Lầu Năm Góc Robert Carver phát biểu với tạp chí Newsweek rằng, có sự "bất cân xứng về khả năng quân sự" giữa Nga và Mỹ do Moscow phát triển công nghệ vũ khí siêu thanh, điều mà không nước nào có được. Ông Carver cho rằng Mỹ cần phải giải quyết sự chậm trễ này. Trong nhiều thập niên, Mỹ từng dẫn đầu về nghiên cứu các hệ thống siêu thanh, nhưng lại không nhắm đến sử dụng công nghệ siêu thanh để chế tạo vũ khí. Trong khi đó, những nước đối thủ lại quyết định biến công nghệ này thành vũ khí.

Mỹ đã tụt hậu về vũ khí siêu thanh so với Nga như nào? - Ảnh 1.

Máy bay chở khách phản lực siêu thanh TU-144 tại sân bay Sheremetyevo của Nga. Ảnh: Sputnik.

Trước sự thừa nhận có vẻ "thật thà quá đà" này của Mỹ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công cộng về an ninh quốc gia của Nga, Đại tá nghỉ hưu Alexander Zhilin tỏ ra khá thận trọng. Ông cho rằng tuyên bố trên của Mỹ là có mục đích, bởi thực trạng quân sự của mỗi quốc gia đều là bí mật được giữ kín bằng mọi cách bởi các cơ quan đặc biệt, kể cả tung tin giả. Thậm chí, có cả một hệ thống hoạt động để bảo vệ và ngăn chặn bí mật quân sự bị rò rỉ. Nhưng với Mỹ, Washington lại nhắc đi nhắc lại việc tụt hậu hơn so với Nga nên cần phải xem xét.

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ đề cập tới việc bị tụt hậu trước Nga về công nghệ vũ khí siêu thanh. Trước đó không lâu, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách nghiên cứu và công nghệ, ông Michael Douglas Griffin nói rằng: "Tại thời điểm hiện tại, chúng ta (Mỹ) không có các hệ thống như Nga và Trung Quốc đang sở hữu và cũng không đủ khả năng phòng vệ trước các hệ thống như vậy. Chúng ta sẽ rơi vào thế bất lợi, nếu như họ quyết định sử dụng chúng". Ông Griffin là người không ít lần lên tiếng về sự tụt lại phía sau của Washington so với Moscow và cả Bắc Kinh. Năm 2018, một báo cáo quốc phòng của Mỹ cũng cho biết Washington không có đủ lực lượng phòng thủ tên lửa đủ hiệu quả để chống lại vũ khí siêu thanh hiện đại của Nga và Trung Quốc.

Theo phát hiện của Đại tá Alexander Zhilin, có rất nhiều thông tin trên báo chí Mỹ về vũ khí Nga, có thể liên quan đến vấn đề tài chính. Chuyên gia này phân tích đại ý rằng, khi cần có thêm tiền, cần thuyết phục các cơ quan trong bộ máy chính trị rằng Lầu Năm Góc cần được phân bổ ngân sách nhiều hơn. Lầu Năm Góc thường có những động thái như vậy để đạt mục đích.

Nhận định này có vẻ hợp lý khi biết rằng, người phát ngôn Lầu Năm Góc Carver nhấn mạnh, sáng chế vũ khí siêu thanh hiện là ưu tiên nghiên cứu và kỹ thuật cao nhất của Mỹ. Mỹ cần tiếp tục thực hiện công việc này để không phải nghi ngờ về khả năng duy trì vị trí thống lĩnh "trong những trận giao tranh tương lai ở mọi địa bàn chiến sự".

Thực tế là trình độ công nghệ chế tạo và sản xuất vũ khí siêu thanh của Nga hiện nay là gần như không có đối thủ. Cho đến nay, Nga là quốc gia duy nhất công bố chính thức sở hữu vũ khí siêu thanh. Hồi tháng 2 năm nay, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đã thử nghiệm thành công tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh Zircon.

Nếu không có gì thay đổi, Nga sẽ là quốc gia đầu tiên có thể sử dụng tên lửa siêu thanh không chỉ trên không, trên bộ và trên mặt nước mà còn cả dưới nước. Sắp tới, tên lửa hành trình Zircon sẽ được quân đội Nga trang bị cho tàu ngầm hạt nhân loại K-561 "Kazan". Tên lửa Zircon, theo công bố, có thể bay với tốc độ cao tới mức các mục tiêu sẽ không có thời gian để tránh được vụ tấn công. Tốc độ cao của vũ khí siêu thanh, kết hợp với khả năng tiếp cận quá gần mục tiêu mà tàu ngầm có thể mang lại, sẽ không cho đối phương thời gian để phản ứng.

Theo The National Interest, việc trang bị tên lửa siêu thanh cho tàu ngầm sẽ mang lại cho Nga một lợi thế đáng kể so với Mỹ và các đồng minh. Chính Mỹ và các đồng minh cũng không khỏi lo ngại, Moscow sẽ sớm có được lợi thế chiến lược đáng kể bằng cách đa dạng hóa vũ khí siêu thanh của mình.

Trước những bước tiến của Nga, gần đây Mỹ cũng đã tích cực nghiên cứu và phát triển các tên lửa siêu thanh, với hy vọng trong cuộc đua vũ khí siêu thanh, mọi thứ chưa phải là quá muộn đối với Mỹ. Tại thời điểm hiện tại, không quân Mỹ bắt tay với tập đoàn công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin, đang nghiên cứu để chế tạo ra tên lửa siêu thanh của riêng mình, để cố gắng bắt kịp các đối thủ cạnh tranh. Năm 2018, quân đội Mỹ bắt đầu với tên lửa không đối đất ARRW. Mỹ cũng đang chế tạo tên lửa siêu thanh tầm xa HCSW cho không quân. Tổng cộng, ARRW và HCSW sẽ tiêu tốn ngân sách Mỹ gần 1,5 tỷ USD.       

Tuy nhiên, trước thực tế phát triển công nghệ siêu thanh của Nga như hiện nay, Mỹ sẽ phải tăng tốc rất nhiều nếu không muốn bị tụt hậu quá xa so với Nga. Bởi không chỉ dừng lại ở vũ khí siêu thanh, Nga còn chú trọng phát triển các loại máy bay dân sự siêu thanh. Tại triển lãm Hàng không MAKS-2019 mới đây, Nga đã trình bày mô hình máy bay chở khách siêu thanh thế hệ mới. Với các giải pháp kỹ thuật được áp dụng, chiếc máy bay siêu thanh loại này sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tính hiệu quả, thân thiện với môi trường và tiện nghi thoải mái.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem