Như đối thủ đã cầu nguyện, ông Obama sẽ đối diện rất nhiều thử thách, đó là tình trạng “fiscal cliff” (tạm dịch: vực thẳm tài chính) có nguy cơ làm ngưng trệ nền kinh tế quốc gia; hay việc phải đối phó với phe Cộng hòa (CH) thù địch đang nắm quyền kiểm soát ở Hạ viện (231 so với 186 ghế) khiến việc ra quyết sách rất khó khăn.
Vực thẳm tài chính
Sau cuộc bầu cử, Chính phủ và Quốc hội Mỹ sẽ phải giải quyết nhiều chuyện phức tạp. Đầu tiên, chương trình giảm thuế từ thời Tổng thống Bush sẽ hết hạn vào ngày 31.12, tức thuế sẽ được nâng lại ngang mức thời Tổng thống Clinton nếu không có chính sách mới được thông qua. Thứ hai, việc cắt giảm tự động 1.200 tỷ USD ngân sách cũng sẽ được khởi động trừ khi Quốc hội tìm được phương pháp bù đắp ngân sách.
Vào cuối tháng này, nếu Chính phủ và Quốc hội không thể đạt được thỏa thuận, một khoản cắt giảm chi tiêu công trị giá 560 tỷ USD sẽ tự khởi động vào ngày 1.1.2013. Ủy ban Ngân sách quốc hội (CBO) ước tính nếu điều đó diễn ra, GDP sẽ mất 4% tăng trưởng, tức Mỹ sẽ rơi trở lại vào suy thoái, và thêm 2 triệu việc làm sẽ bị mất. Thứ ba, Mỹ sẽ chạm trần nợ mới vào giữa mùa xuân tới. Tất cả những sự kiện này được ví như “vực thẳm tài chính” mà ông Obama phải đối mặt ngay sau khi bước vào nhiệm kỳ thứ hai.
Lưỡng đảng đồng ý rằng giải pháp tốt nhất cho 3 cuộc “khủng hoảng” tài chính sắp tới là phải tiến hành một cuộc cải tổ quy mô lớn đối với chi tiêu chính phủ và tìm kiếm thêm nguồn thu ngân sách, bao gồm cả việc thay đổi hệ thống thuế cá nhân. Các quan chức Chính phủ Obama khẳng định tổng thống sẽ phủ quyết bất kỳ gói đề xuất nào gia hạn việc giảm thuế cho những người có thu nhập từ 250.000USD/năm trở lên.
Giám đốc chính sách trong chiến dịch tranh cử của Obama, ông James Kvaal cho biết tổng thống muốn một kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách thêm 4.000 tỷ USD, với mức giảm 2,5USD trên mỗi USD thu ngân sách, đồng thời giảm chi tiêu đối với các chương trình bảo hiểm y tế Medicare, Medicaid và các chương trình phúc lợi khác.
Những biện pháp giảm chi sẽ ảnh hưởng tới các chi tiêu quân sự (vốn được đảng Cộng hòa ủng hộ), và các chương trình xã hội (mối quan tâm của Đảng Dân chủ). Đảng Dân chủ của Tổng thống Obama kiểm soát Thượng viện Mỹ, trong khi Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại hạ viện. Cho tới nay, cả hai đảng đều không thay đổi lập trường. Ông Leon LaBrecque, chiến lược gia sáng lập LJPR - một công ty quản lý gần 500 triệu USD tài sản, nói: “Hiện rất khó có thể tin rằng quốc hội và Tổng thống Obama giải quyết được các vấn đề này trước ngày 31.12”.
Đau đầu giải quyết
Trong một bài phát biểu vào đêm 10.11, Tổng thống Obama cho biết sẵn sàng hợp tác với phe Cộng hòa để giải quyết vấn đề. Trong tuần này, Obama sẽ mời 4 lãnh đạo quốc hội đến Nhà Trắng để bàn cách giải quyết, trước khi ông đi công du châu Á. Ông cho biết chưa có kế hoạch chi tiết, nhưng tin rằng nhiệm kỳ 2 sẽ cho ông cơ hội để tăng thuế đối với nhà giàu. “Đa số dân Mỹ đã đồng ý với cách làm của tôi”, ông Obama nói. Khoảng 60% cử tri trong một cuộc khảo sát hôm 9.11 cho rằng chính phủ cần phải tăng thuế, đặc biệt đối với những người thu nhập trên 250.000USD/năm.
Tuy nhiên, vấn đề là phe Cộng hòa đang kiểm soát hạ viện lại không đồng ý với ông. Chủ tịch Hạ viện John Boehner khăng khăng rằng việc tăng thuế như đề xuất của ông Obama sẽ “hủy hoại việc làm của người Mỹ”. Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch cảnh báo có thể hạ xếp hạng tín dụng đối với các công cụ tài chính Mỹ, trừ khi Mỹ đạt được một thỏa thuận về vấn đề nợ.
Các nhà kinh tế nói rằng cắt giảm chi tiêu gắt gao và tăng thuế quá cao sẽ khiến cho nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ giảm, kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế và làm tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, có thể đẩy Mỹ rơi lại vào tình trạng suy thoái. Năm ngoái, hai phe Dân chủ và Cộng hòa tranh cãi quyết liệt về trần nợ công và chỉ đạt được một thỏa thuận vào phút cuối, khiến thị trường chứng khoán tụt dốc và định mức tín nhiệm Mỹ bị hạ bậc.
Những trở ngại này đều có khả năng tàn phá nền kinh tế Mỹ. Viện Brookings dự báo trong trường hợp xấu nhất, nền kinh tế sẽ thiệt hại gần 1.000 tỷ USD, tăng trưởng sụt giảm mạnh so với mức 2% hiện nay và kinh tế Mỹ có thể sẽ suy thoái nghiêm trọng, sẽ có thêm hàng triệu người Mỹ rơi vào cảnh mất việc làm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Hiện tỷ lệ này vẫn ở mức cao: 7,9%.
Bài toán nhân sự
1 ngày sau khi tái đắc cử, ông Obama tất bật tìm người thay thế hàng loạt nhân vật cấp cao sắp rời nội các. Hơn phân nửa đến 2/3 nhân sự cấp cao nhất ở Cánh tây (nơi đặt một số văn phòng hành chính của Nhà Trắng) và thuộc chính phủ sẽ ra đi.
Theo CNN, ông Obama đã lên lịch họp kín mít với các quan chức cấp cao để vạch ra lộ trình cho những ngày tới. Các cố vấn đang tích cực đưa ra kế hoạch trám chỗ những vị trí chủ chốt từ trợ lý cao cấp tại Nhà Trắng, đại sứ và các bộ trưởng. Theo tờ The New Jersey, những quan chức hàng đầu chuẩn bị rời ghế gồm Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner, Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, Bộ trưởng Năng lượng Steven Chu, Bộ trưởng Nội vụ Ken Salazar.
Trước mắt, ứng viên thay thế ông Geithner bao gồm Chánh văn phòng Nhà Trắng Jacob Lew và Erskine Bowles, đồng Chủ tịch Ủy ban Giảm thâm hụt ngân sách hồi năm 2010. Trong khi đó, danh sách cân nhắc cho ghế ngoại trưởng là thượng nghị sĩ John Kerry và Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice. Mặt khác, cựu thượng nghị sĩ Chuck Hagel đang được cân đo cho vị trí đứng đầu Bộ Quốc phòng. Tương lai của Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder vẫn chưa rõ ràng nhưng ông này từng bày tỏ ý muốn tiếp tục thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa.
“Gân gà” FDI Trung Quốc
Một vấn đề khác khiến Obama phải đau đầu là nên ứng xử với làn sóng đầu tư từ Trung Quốc như thế nào. FDI từ Trung Quốc vào Mỹ gia tăng nhanh chóng đã giúp tạo công ăn việc làm. Theo nghiên cứu mới công bố của một ủy ban thuộc quốc hội, những công ty Trung Quốc tại Mỹ đã tạo từ 10.000-20.000 việc làm trong 5 năm qua và giúp vực dậy những công ty đang lao đao về tài chính ở Mỹ.
Ước tính FDI Trung Quốc vào Mỹ năm 2011 là 30 tỷ USD, so với ước tính 5,8 tỷ USD năm 2010. Nhưng nguy cơ an ninh và kinh tế đi kèm với các hợp tác của công ty quốc doanh Trung Quốc khiến các nhà chức trách Mỹ lo ngại, đặc biệt theo sau vụ 2 công ty quốc doanh Trung Quốc Huawei Technologies và ZTE bị nghi ngờ cài phần mềm gián điệp.
Báo cáo của Ủy ban Tình báo hạ viện Mỹ nhắc đến việc một số công ty Mỹ sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE từng gặp phải những trường hợp “kỳ lạ” và “đáng báo động”. Nhiều chuyên gia an ninh Mỹ cáo buộc thiết bị của Huawei và ZTE được cài sẵn mã độc để chuyển thông tin nhạy cảm về Trung Quốc.
Ông Michael Maloof, từng là nhà phân tích chính sách bảo mật tại văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tiết lộ Chính phủ Trung Quốc có thể truy cập trên diện rộng đối với 80% thông tin liên lạc của thế giới, từ đó họ có khả năng tiến hành hoạt động gián điệp công nghiệp từ xa và thậm chí phá hoại về mặt điện tử các cơ sở hạ tầng trọng yếu ở Mỹ. Đầu năm ngoái, nhà chức trách Mỹ đã ra tay ngăn cản Huawei mua lại Công ty máy tính Mỹ 3Leaf Systems.
Dân Mỹ sống tốt hơn?
Một câu hỏi được đặt ra là dưới sự lãnh đạo của Obama, người Mỹ có sống tốt hơn hay không? Đối với nhiều triệu phú Mỹ, câu trả lời có thể là “có”. Một nghiên cứu của công ty nghiên cứu và dữ liệu WealthInsight có trụ sở ở London cho thấy trong nhiệm kỳ 1 của Obama, nước Mỹ có thêm 1,1 triệu triệu phú.
Tính đến cuối năm 2011, Mỹ có 5,1 triệu triệu phú, so với 4 triệu triệu phú vào cuối năm 2008. Như vậy, cứ 1 ngày dưới thời Chính phủ Obama, có hơn 1.000 triệu phú xuất hiện. “Sự thật là Obama tốt cho triệu phú, ít nhất là về con số”, theo Andrew Amoils, một nhà phân tích của WealthInsight. Các chính sách nới lỏng định lượng, giữ lãi suất cận zero... đặc biệt có lợi cho các nhà đầu tư tài chính, đa số là người giàu.
Tuy nhiên, câu trả lời của 12 triệu người đang thất nghiệp và những người nghèo hơn sẽ là “không”. Số người Mỹ sống trong nghèo đói tính tới cuối năm 2010 đã chạm mức kỷ lục với 46,2 triệu, con số cao nhất kể từ khi Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1959. Về tỷ lệ phần trăm, tỷ lệ hộ nghèo đã tăng lên 15,1%, từ mức 14,3% trong năm 2009.
Số người Mỹ sống dưới mức nghèo đói đã gia tăng trong 4 năm liên tiếp, trong khi tỷ lệ hộ nghèo là lớn nhất kể từ năm 1993. Thu nhập trung bình hộ gia đình hằng năm của Mỹ cũng giảm 2,3% trong năm 2010, xuống mức 49.445USD/hộ. Trong khi đó, số người Mỹ không có bảo hiểm y tế vẫn còn khoảng 50 triệu. Liệu trong nhiệm kỳ sắp tới, ông Obama có thể giảm bớt được cách biệt giữa người giàu và người nghèo?
Theo Thế giới & Hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.