Mỹ giảm mua, một mặt hàng chủ lực của Việt Nam khó đạt mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD

Khánh Nguyên Chủ nhật, ngày 16/07/2023 20:07 PM (GMT+7)
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ giảm mạnh khiến ngành gỗ khó đạt được mục tiêu đạt 18 tỷ USD trong năm 2023.
Bình luận 0

Xuất khẩu gỗ khó đạt mục tiêu 18 tỷ USD

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng 5/2023, nhưng giảm 23,3% so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022. 

Kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khiến đơn đặt hàng của ngành gỗ giảm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới các thị trường chính trong nửa đầu năm 2023 đều giảm mạnh. 

Trong đó, xuất khẩu tới thị trường Mỹ chiếm 54% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đạt 3,3 tỷ USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ giảm mạnh khiến ngành gỗ khó đạt được mục tiêu đạt 18 tỷ USD trong năm 2023. 

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Uỷ ban thương mại quốc tế Mỹ (USITC), 4 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ vào Mỹ đạt 6,3 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022.

Mỹ giảm mua, một mặt hàng chủ lực của Việt Nam khó đạt mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD - Ảnh 1.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ giảm mạnh khiến ngành gỗ khó đạt được mục tiêu đạt 18 tỷ USD trong năm 2023. Ảnh: Cao Cẩm.

Do nhu cầu giảm đáng kể nên Mỹ nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường đều giảm mạnh. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ, đạt 2,2 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 977,1 triệu USD, giảm 46,7%;...

Do nhu cầu thị trường yếu nên hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ Mỹ nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023 đều giảm mạnh. Dẫn đầu về trị giá nhập khẩu là mặt hàng ghế khung gỗ đạt 2,2 tỷ USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 1,9 tỷ USD, giảm 26,8%; đồ nội thất phòng ngủ đạt 1,1 tỷ USD, giảm 33,8%... 

Các mặt hàng chính mà Mỹ nhập khẩu đều là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam, trị giá nhập khẩu các mặt hàng này từ Việt Nam đều chiếm tỷ trọng cao. 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, sự phục hồi của ngành gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào nhiều các yếu tố, bao gồm sự ổn định của tình hình kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực như Mỹ và EU; cùng với việc thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu và khai thác các cơ hội mở rộng thị trường.

Tiềm năng xuất khẩu viên nén rất lớn

Trong khi xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm thì xuất khẩu một số mặt hàng như dăm gỗ, viên nén lại có sự tăng trưởng khả quan.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2022 Việt Nam xuất khẩu 4,9 triệu tấn viên nén, đạt kim ngạch 0,79 tỷ đô la Mỹ. Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu viên nén đạt 1,57 triệu tấn, kim ngạch đạt khoảng 256,5 triệu USD.

"Xuất khẩu hiện đang trên đà tăng. Nhu cầu tiêu thụ viên nén trên thế giới sẽ tăng khoảng 250% trong thập kỷ tới, đạt con số 36 triệu tấn từ mức 14 triệu tấn năm 2017"- TS Tô Xuân Phúc - chuyên gia của Forest Trends nhận định.

Viên nén sang Nhật, Hàn tăng 95% - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất viên nén ở Công ty Năng lượng Dung Quất (Quảng Ngãi). Ảnh: K.N

Viên nén sang Nhật, Hàn tăng 95% - Ảnh 2.

Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường nhập khẩu viên nén nhiều nhất của Việt Nam. Lượng và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm 97% tổng lượng và giá trị xuất khẩu từ Việt Nam từ tất cả các thị trường trong năm 2022.

Đáng chú ý, xung đột Nga – Ukraine đẩy mức giá viên nén tại thị trường thế giới lên rất cao. Giá viên nén xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc và Nhật Bản những tháng đầu 2022 dao động trong khoảng 140 USD/tấn (FOB Việt Nam). Mức giá sau đó tăng rất mạnh, đạt 180-190 USD/tấn rồi giảm dần.

Theo đó, giá xuất khẩu viên nén sang Hàn Quốc trong tháng 6/2023 chỉ đạt khoảng 110 USD/tấn trong khi mức giá xuất khẩu đi Nhật đạt 145 – 165 USD/tấn.

Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2023, lượng viên nén của Việt Nam xuất đi Hàn Quốc đạt khoảng 0,8 triệu tấn. Dự kiến đến hết năm 2023, lượng xuất khẩu viên nén của Việt Nam vào thị trường này đạt khoảng 1 - 1,5 triệu tấn. Việt Nam là nguồn cung viên nén chính cho Hàn Quốc (cung 80% trong tổng nhu cầu sử dụng của thị trường này).

Những tháng đầu năm 2023 chứng kiến mức giá biến động rất lớn đối với viên nén Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc. Điều này làm cho một số doanh nghiệp viên nén Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ không có tiềm lực về tài chính phải ngừng sản xuất.

Theo đánh giá của chuyên gia Forest Trends, thị trường Nhật Bản có tính ổn định hơn nhiều so với Hàn Quốc, với các đơn hàng dài hạn (hợp đồng mua – bán thường là 10 - 15 năm) hiện được xuất với mức giá dao động khoảng 145 - 165USD/tấn (FOB Việt Nam). Bên cạnh các hợp đồng dài hạn, một số doanh nghiệp Nhật Bản cũng thực hiện các hợp đồng ngắn hạn với một số nhà cung ứng Việt Nam.

Tính đến nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn viên nén vào Nhật Bản. Toàn bộ lượng viên nén xuất khẩu đi Nhật đòi hỏi phải có chứng chỉ FSC. Nguyên liệu cho viên nén xuất khẩu đi Nhật là từ nguồn gỗ rừng trồng trong nước, chủ yếu là từ cây keo.

Thông tin từ một số doanh nghiệp cho biết, hiện mỗi năm Nhật Bản sử dụng khoảng 8 triệu tấn viên nén, trong đó 40-50% là vỏ hạt cọ dầu, phần còn lại (50 - 60%) là viên nén từ gỗ.

Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu viên nén tại Nhật Bản sẽ tăng lên 20 triệu tấn, trong đó lượng viên nén gỗ sẽ chiếm khoảng 13 - 15 triệu tấn (còn lại là hạt cọ dầu). Nhu cầu viên nén sử dụng tại Nhật sẽ mở rộng trong tương lai. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định và có chứng chỉ bền vững, có nhà máy sản xuất quy mô, quản lý bài bản.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem