Hai bên đều muốn trước cuối năm nay, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có quyền trợ giúp quân đội Mỹ trên khắp thế giới, thậm chí trong trường hợp không có mối nguy cơ đe dọa trực tiếp an ninh của Nhật Bản từ bất cứ nước nào.
Mới đây, Nhật Bản đã thông qua luật phòng vệ tập thể với Mỹ trong trường hợp nước Nhật bị tấn công từ bất kỳ nước nào. Bây giờ Tokyo muốn mở rộng đáng kể quyền này để xóa bỏ các trở ngại đối với việc phái những người lính Nhật Bản sang nước ngoài, dù chỉ riêng trong thành phần các đơn vị quân đội Mỹ. Song, điều đó không làm thay đổi thực tế rằng, theo kết quả Thế chiến II, nước Nhật, đối tượng xâm lược bị bại trận, không được quyền gửi binh lính ra nước ngoài. Điều này được ghi trong Hiến pháp Nhật Bản.
Chuyên gia Victor Pavlyatenko từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông cho biết: “Tokyo đang đưa ra cách giải thích mới về hiến pháp. Trên thực tế, cách giải thích này rất giống việc xét lại kết quả cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Về mặt chính thức, Tokyo không tuyên bố như vậy. Tuy nhiên, kết quả Thế chiến II đang bị xét lại một cách gián tiếp và không chỉ trong vấn đề này”.
Dẫn đầu phái đoàn Mỹ tại cuộc hội đàm ở Tokyo ngày 8 tháng 10 sẽ là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russell và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương David Shear.
Ở Hàn Quốc gia tăng tâm trạng phản đối xu thế quân sự đang tăng lên trong chính sách đối ngoại của Tokyo, kể cả những nỗ lực rời xa các cam kết mà quân phiệt Nhật phải thực hiện theo quyết định của các quốc gia chiến thắng trong Thế chiến II. Mặt khác, Seoul, với tư cách thành viên liên minh quân sự với Mỹ và Nhật Bản, phải ủng hộ các hành động nhằm củng cố liên kết quân sự của hai nước đồng minh của mình.
Tình hình càng thêm thú vị nếu chú ý đến lập trường chung của Seoul và Bắc Kinh chỉ trích hành động của Nhật Bản nhằm xét lại kết quả Thế chiến II. Tokyo tức giận với điều này. Ví dụ, một tranh cãi ngoại giao đã bùng lên khi theo sáng kiến của Hàn Quốc ở Trung Quốc đã xây dựng đài tưởng niệm anh hùng dân tộc của Hàn Quốc Ahn Jung-Geun.
Vào năm 1909, ở nhà ga thành phố Cáp Nhĩ Tân, Ahn Jung-Geun, một người Triều Tiên, đã bắn chết cựu Thủ tướng Nhất Hirobumi Ito - Toàn quyền đầu tiên của Nhật Bản tại nước Triều Tiên bị chiếm đóng.
Xóa bỏ các hạn chế đối với lực lượng tự vệ Nhật Bản ở nước ngoài sẽ gây ra đợt căng thẳng mới trong quan hệ với Trung Quốc. Chuyên gia Victor Pavlyatenko nói: “Trung Quốc sẽ phản ứng rất gay gắt. Theo Bắc Kinh, việc giải thích Hiến pháp theo cách mới không khác gì việc rời bỏ kết quả cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, tăng cường các khía cạnh quân sự trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Các hành động của Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh quân sự là phản ứng với hành động của Nhật Bản theo hướng này. Đây không phải là câu trả lời trực tiếp, nhưng, trong một số trường hợp Trung Quốc cho thấy rõ rằng, hành động của họ liên quan đến các hành động khiêu khích của Nhật Bản”.
Mỹ cũng kích động Trung Quốc. Washington biết rõ về thái độ nhạy cảm của Bắc Kinh đối với tất cả mọi thứ liên quan đến xu thế khôi phục chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Tuy nhiên, đôi khi, ví dụ như trong trường hợp này, Mỹ kích động Nhật Bản xét lại kết quả Thế chiến II. Rõ ràng là trên thực tế Washington hầu như không cần đến sự hỗ trợ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong những khu vực khác nhau trên thế giới. Mỹ rất cần đến những lập luận mới để tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở châu Á, bao gồm cả quần đảo Nhật Bản. Vì thế, Mỹ đặt cược vào mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
(Theo Đài tiếng nói nước Nga)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.