Mỹ, Nhật Bản ồ ạt thu gom, xuất khẩu nhiều loại thủy sản tăng 100%

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 11/06/2021 15:21 PM (GMT+7)
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh việc nâng cao năng lực khai thác thủy sản, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành nhằm gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU.
Bình luận 0

Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ấn tượng

Tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2020 đạt 3,85 triệu tấn, tăng 2,06% so với năm 2019, trong đó khai thác biển đạt 3,65 triệu tấn, khai thác nội địa 203.000 tấn.

Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), xuất khẩu hải sản có sự tăng trưởng ấn tượng trong 3 tháng đầu năm 2021. 

Cụ thể, giá trị xuất khẩu thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,68 tỷ USD, tăng 103,3% so với cùng kỳ, trong đó, cá ngừ đạt 153, 3 triệu USD, tăng 104,5%; mực và bạch tuộc đạt 116,1 triệu USD, tăng 107,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, ASEAN lần lượt là những thị trường có giá trị xuất khẩu lớn nhất.

Quyết gỡ thẻ vàng IUU - Ảnh 1.

Tàu cá cập cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) bán hải sản cho thương lái. Ảnh: Dũ Tuấn.

3 tháng đầu năm 2021, sản lượng đạt 857.400 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ; trong đó khai thác biển đạt 817.500 tấn.

Giá trị xuất khẩu thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,68 tỷ USD, tăng 103,3% so với cùng kỳ.

Hiện, cả nước có 620 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, trong đó có 415 nhà máy, cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU và các thị trường khó tính khác; có 3.000 cơ sở chế biến quy mô nhỏ. 

Các sản phẩm chế biến của Việt Nam đã có mặt tại hơn 176 thị trường trên thế giới.

Để đảm bảo công tác khai thác thủy sản đạt hiệu quả, đúng quy định, giám sát tàu cá hiệu quả, theo ông Nguyễn Văn Trung - Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT), Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. 

Đến 30/4/2021 cả nước đã lắp đặt được 26.865 tàu, chiếm 86,8%, trong đó tàu từ 24m trở lên là 2.350/2.630 tàu, chiếm 89,5%; tàu từ 15 đến dưới 24m là 24.515/28.321 tàu, chiếm 86,6%.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, hiện nay, ngành khác thác thủy sản đang còn một số tốn tại, hạn chế cần khắc phục như: Nguồn lợi thủy sản giảm, cường lực khai thác vẫn ở mức cao; tình trạng thiếu lao động trong khai thác hải sản...

Nâng cao năng lực khai thác, chế biến thủy sản

Để nâng cao năng lực khai thác, chế biến thủy sản, đồng thời thực hiện tốt các khuyến nghị của EC về việc gỡ thẻ vàng IUU, ông Trần Đình Luân kiến nghị Bộ NNPTNT xem xét, chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến hải sản, đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là sản phẩm đóng hộp, khô.

Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần như cảng cá và các trung tâm nghề cá lớn của cả nước. 

Đặc biệt, có phương án, kịch bản xuất khẩu hải sản để đáp ứng nhu cầu tăng cao sau khi hết dịch.

Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị Sở NNPTNT các địa phương quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành nhằm tháo gỡ thẻ vàng của EC về chống khai thác IUU.

Chỉ đạo Ban quản lý cảng cá, văn phòng thanh tra tại cảng kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi bốc dỡ sản phẩm; phối hợp với lực lượng biên phong không cho tàu ra khơi khi chưa có thiết bị giám sát hành trình, chưa đánh dấu tàu cá theo quy định.

Ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, đang thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở chế biến và doanh nghiệp chế biến thủy sản. 

Hiện, tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo quyết liệt nhanh chóng đầu tư thành lập các cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi phát triển lĩnh vực công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến thủy sản.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành thủy sản đang quyết liệt thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU. 

Tập trung công tác điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường khai thác; quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trên biển cũng như quản lý cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá.

"Để đáp ứng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu không cách nào khác phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ về giống, nuôi trồng, thú y phòng bệnh và bảo quản sau thu hoạch. Bên cạnh đó cần cơ cấu lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi và nâng cao giá trị" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem