Mỹ quay lại CPTPP: Đi ăn cỗ, về có… mất chỗ?

Tiểu Đào Thứ sáu, ngày 13/04/2018 15:30 PM (GMT+7)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra chỉ thị cho các quan chức chính phủ “đàm phán để tái gia nhập” Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bình luận 0

Quay đầu lại

img

Tổng thống Trump chia sẻ dự định quay lại CPTPP trước các nghị sĩ ở Nhà Trắng. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Trump tuyên bố, ông sẽ đưa Mỹ quay trở lại Hiệp định CPTPP (tiền thân là TPP) chỉ trong trường hợp nước này đạt được một thỏa thuận tốt hơn

“Sẽ chỉ gia nhập lại TPP nếu các thỏa thuận tốt hơn thời của Tổng thống Obama. Nước Mỹ đã có các thỏa thuận thương mại song phương với 6/11 thành viên của TPP và hiện tại, chúng ta đang tiến tới một thỏa thuận với Nhật Bản – một cường quốc kinh tế lớn trong số các thành viên TPP và cũng là quốc gia khiến nước Mỹ thâm hụt nặng trong nhiều năm” – ông Trump viết trên trang mạng xã hội cá nhân Twitter.

Phản ứng trước thông tin này, Nhật Bản – dù đã bị phê phán đích danh – vẫn cho biết, Tokyo sẵn lòng ủng hộ quyết định cân nhắc lại khả năng gia nhập CPTPP.

“Nếu đây là sự thật, tôi sẽ hoan nghênh việc này” – Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Taro Aso chia sẻ, đồng thời cho hay ông mong đợi vấn đề CPTPP sẽ được mang ra thảo luận trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Trump vào tuần tới.

Tuy nhiên, ông Aso khẳng định, trước khi đặt hi vọng vào mọi thứ, chính phủ của ông phải kiểm tra, xác thực thông tin này một cách cẩn thận do ông Trump “là một người thay đổi nhanh chóng, ngày hôm sau có thể nói khác ngày hôm trước”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương Mại New Zealand lại tỏ ra hoài nghi trước động thái “quay đầu” của Mỹ khi cho rằng tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa rõ quyết định này là “thực hay ảo”. Do đó, dù hoan nghênh ý tưởng quay lại CPTPP của Washington, Wellington sẽ vẫn coi đây chỉ là “quyết định trên giấy”.

Đi ăn cỗ, về có… mất chỗ?

Không khó để có thể chỉ rằng, việc tái gia nhập CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các ngành công nghiệp Mỹ và cả uy tín của Tổng thống Trump. Đặc biệt, hiệp định này được nhận định là có lợi cho ông Trump trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang “ăn miếng trả miếng”, đánh thuế lẫn nhau. Dưới thời của chính quyền Tổng thống Barack Obama, TPP được coi như một công cụ để kiềm tỏa Bắc Kinh, ép buộc nước này phải mở cửa và tự doa hóa hoàn toàn thị trường của mình. Vì vậy, khi đối đầu với một Trung Quốc có nền kinh tế mạnh mẽ, ông Trump sẽ phải cần đến CPTPP.

Hiệp định CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD. Dù không có quy mô bằng Hiệp định TPP cũ, nhưng Hiệp định này cũng giúp nhiều nước tiếp cận được với các thị trường thương mại tự do mới.

Tuy nhiên, theo tờ New York Times, con đường quay trở lại CPTPP của Mỹ sẽ “đầy sỏi đá và gập ghềnh”. Dù không có Mỹ, các thành viên còn lại của TPP, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam, đã vẫn đi tiếp, dành nhiều tháng đàm phán trước khi tiến tới hiệp định cuối cùng là CPTPP được ký kết vào hồi tháng trước tại Chile. Vì thế, Mỹ khi quay lại CPTPP sẽ không thể đòi hỏi nhượng bộ nhiều theo cách mà Tổng thống Trump mong muốn.

Tờ New York Times cũng nhận xét rằng với tính cách của ông Trump, nếu không được nhượng bộ thêm, ông gần như sẽ không chịu gia nhập lại. Trong khi đó, Nhật Bản – một nhân tố lớn trong CPTPP – cũng đã quả quyết nước này đã nhượng bộ hết mức có thể.

Chính vì thế, khả năng Tổng thống Donald Trump “đi ăn cỗ, về mất chỗ” là hoàn toàn có thể?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem