Trên bảo dưới… không biết?
Tổng thống Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ ở Ohio. Ảnh: CNN.
“Chúng ta sẽ đánh bật ISIS. Chúng ta sẽ sớm rời khỏi Syria. Hãy để những người khác lo cho vấn đề này”, Tổng thống Trump nói với những người ủng hộ tại một sự kiện ở Ohio. “Các binh sĩ Mỹ sẽ giành lại 100% lãnh thổ mà tổ chức này kiểm soát. Thế nhưng, con em chúng ta sau đó sẽ rời đi rất mau để trở về Mỹ, về lại quê hương, về lại với gia đình”.
Một quan chức quốc phòng Mỹ trực tiếp liên quan tới chiến dịch tiêu diệt IS nói với CNN rằng hiện Lầu Năm Góc vẫn chưa rõ lời tuyên bố của ông Trump mang ý nghĩa gì, nhất là trong bối cảnh quân đội nước này đánh giá rằng hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để bàn chuyện rút quân. Không chỉ có vậy, việc rút lính Mỹ ra khỏi Syria cũng gặp rất nhiều vấn đề và thử thách như cách xử lý các chiến binh thánh chiến nước ngoài đang bị lực lượng đối lập Syria thân Mỹ giam giữ, sự hiện diện của quân đội Nga hay tương lai của Syria sau khi cuộc chiến kết thúc.
Khi được hỏi về tuyên bố của ông Trump, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết bà chưa nghe gì về việc này, đồng thời xác nhận rằng Bộ Ngoại giao cũng chưa biết bất kỳ kế hoạch rút quân nào.
Ai thiệt ai hơn?
SDF đứng vững ở Syria là nhờ có sự "chống lưng" của người Mỹ. Ảnh: US Army.
Theo CNN, người chịu thiệt hại nặng nhất do quyết định này sẽ là lực lượng đối lập Syria SDF đang được 2.000 lính Mỹ “chống lưng”. Nếu người Mỹ không còn ở Syria, không có gì đảm bảo các nhóm do Washington bảo trợ, đặc biệt là SDF, sẽ không bị quân đội chính phủ Syria, Iran hoặc Thổ Nhĩ Kỳ “sờ gáy”.
“Tại Syria, SDF vẫn có chỗ đứng bởi vì không lực lượng nào dám động chạm tới họ”, ông David Adesnik – giám đốc nghiên cứu thuộc Quỹ Bảo vệ Dân chủ – nhận định. “Nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, với vị thế yếu ớt như vậy họ sẽ chiến đấu như thế nào hay đám phán với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ra sao?”.
Trái ngược với SDF, tổ chức khủng bố IS dường như lại hưởng lợi từ việc người Mỹ rút quân. Theo đó, khoảng trống do Washington để lại sẽ tạo nên một sự hỗn loạn, đẩy nhanh và gia tăng xung đột trong khu vực. Tình thế hỗn loạn sẽ giúp các tay súng thánh chiến trục lợi giống như cách mà chúng đang “tận hưởng” những lợi thế từ việc các tay súng người Kurd đang phải vất vả chiến đấu với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria.
“Sự đối đấu ở miền bắc Syria trong vòng 2 tháng qua, bao gồm cả ở Afrin, đã khiến các bên rời xa trọng tâm của chiến dịch tiêu diệt IS, tạo điều kiện cho những kẻ khủng bố bắt đầu phục hồi lại tại một số khu vực” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết.
Khi mà lực lượng đối lập yếu đi, chính phủ Syria mà đứng đầu là Tổng thống Bashar al-Assad sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Từ khi cuộc chiến ở Syria nổ ra, Damacus đã bị mất tới 90% mỏ dầu của mình. Việc giành lại mỏ dầu từ phe đối lập – một việc sẽ tương đối dễ dàng nếu Mỹ không còn ở Syria – sẽ đem lại lợi ích kinh tế khổng lồ cho chính quyền của ông Assad.
Tuy nhiên, theo CNN, người hưởng lợi lớn nhất từ sự vắng mặt của Mỹ chính là Nga. Cụ thể, khi mà Mỹ – đối thủ chính đứng đằng sau “bảo kê” - không còn, Moscow sẽ nghiễm nhiên trở thành thế lực có ảnh hưởng nhất khu vực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.