Theo tờ New York Times, các cuộc tuần tra của Mỹ sẽ diễn ra trong phạm vi 12 hải lý ít nhất một trong số các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp trái phép từ các bãi đá ngầm tại Trường Sa.
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố phần lớn Biển Đông là “lãnh thổ có chủ quyền của Bắc Kinh”, tuy nhiên theo luật pháp quốc tế các hòn đảo nhân tạo mới được xây đắp không có chủ quyền lên đến giới hạn 12 hải lý.
Từ năm 2012 đến nay Mỹ vẫn kiềm chế, chưa tuần tra gần các đảo nhân tạo. Hồi tháng 5 vừa qua, một máy bay tuần tra của hải quân Mỹ bay gần ba đảo nhân tạo nhưng không đi vào vùng 12 hải lý. Khi đó hải quân Trung Quốc ra cảnh báo qua radio, đòi máy bay Mỹ phải dời đi.
Các quan chức Philippine cho biết, trước đó ít ngày, họ đã được thông báo về quyết định tổ chức các cuộc tuần tra của Mỹ tại Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Albert F. del Rosario khẳng định việc tuần tra tại phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo sẽ giúp duy trì sự ổn định khu vực. Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes IV F., Chủ tịch Ủy ban quốc phòng và an ninh quốc gia Philiipines cũng lên tiếng hoan nghênh kế hoạch tuần tra của Mỹ.
Thư ký Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và thư ký của Ngoại trưởng John Kerry đã sắp xếp các cuộc thảo luận về kế hoạch tuần tra với các đối tác từ Australia ở Boston trong hai ngày 12 và 13.10.
Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc. Harry B. Harris Jr, người đồng thời được Nhà Trắng yêu cầu cung cấp các phương án để đối phó với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng dự kiến sẽ tham dự các cuộc họp bàn nói trên.
Đô đốc. Harry B. Harris Jr và bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các hoạt động cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông. ẢNh NYT
Trước đó, cố vấn cao cấp về Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia, Daniel Kritenbrink cũng đã tiết lộ rằng, Nhà Trắng đã quyết định sẽ tiến hành các cuộc tuần tra trên Biển Đông. Tuy nhiên ông Kritenbrink không thể xác định được thời gian cụ thể của các cuộc tuần tra này, đồng thời cho rằng, cuộc tuần tra bị gián đoạn do chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Mỹ và một số nước đồng minh châu Á như Philippines, Nhật Bản lo ngại những hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ làm cản trở các hoạt động tự do hàng hải trên vùng biển này, đặc biệt việc Trung Quốc sử dụng các cuộc tuần tra của họ để biện minh cho các hoạt động quân sự.
Phản ứng trước thông tin Mỹ sẽ tuần tra ở vùng biển trong phạm vi 12 hải lý trên Biển Đông, Trung Quốc đã đáp trả rằng, họ sẽ “có câu trả lời cho các tàu chiến Mỹ tiến vào vùng lãnh hải 12 hải ký xung quanh các hòn đảo nhân tạo”.
Trước đó, trong báo cáo nhan đề “Chiến lược An ninh biển châu Á-Thái Bình Dương” được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi tháng 8 cho biết, hoạt động của Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông đã tăng gần 50% so với hồi tháng 5 vừa qua. Báo cáo nêu rõ "các nỗ lực mới nhất của Trung Quốc khác xa các nỗ lực trước đây cả về quy mô và mức độ ảnh hưởng. Cơ sở hạ tầng mà nước này dường như đang xây dựng sẽ tạo cơ sở để Bắc Kinh thiết lập một sự hiện diện nhiều sức mạnh hơn ở Biển Đông".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các chuyến bay và đưa tàu đi vào bất cứ vùng biển nào luật pháp quốc tế cho phép.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.