Mỹ trang bị trí thông minh nhân tạo cho tiêm kích F-16

Chủ nhật, ngày 24/12/2017 14:00 PM (GMT+7)
Lầu Năm Góc muốn trang bị công nghệ AI cho tiêm kích F-16 nhằm phát hiện sớm các lỗi kỹ thuật giúp giảm thiểu thiệt hại và nâng cao hiệu suất chiến đấu.
Bình luận 0

F-16 Fighting Falcon là một trong những chiến đấu cơ lừng danh của Không quân Mỹ. F-16 cùng với F-15 đã chứng minh hiệu suất chiến đấu ưu việt trong hơn 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, F-16 dần xuống cấp, thời gian cần bảo trì trước và sau khi làm nhiệm vụ nhiều hơn.

Nhằm duy trì sức mạnh chiến đấu cho F-16, Lầu Năm Góc đang làm việc với các nhà thầu quốc phòng để đưa trí thông minh nhân tạo (AI) vào chiến đấu cơ này. Business Insider cho biết Bộ Không quân Mỹ và nhà thầu C3 IoT sẽ hoàn thành việc trang bị AI cho F-16 trong vòng 6 tháng.

Gói phần mềm chạy trên nền tảng AI được gọi là AW-Sight. Nó sẽ tự động thu thập và phân tích dữ liệu về quá trình hoạt động của các linh kiện, từ đó đưa ra dự đoán về khả năng hỏng hóc. Phần mềm sẽ tự động báo cho phi công những bộ phận có khả năng xảy ra sự cố.

Phi công sau đó có thể báo lại cho đội ngũ bảo trì để sửa chữa. Ê kíp bảo dưỡng máy bay có thể sử dụng dữ liệu mà AI cung cấp để loại trừ trước các bộ phận có khả năng hỏng hóc. Các kỹ sư tin rằng công nghệ AI sẽ giảm khối lượng công việc cho nhân viên bảo trì, các sự cố ngoài ý muốn, nâng cao hiệu suất chiến đấu cho máy bay.

img

Tiêm kích F-16 sẽ trở nên mạnh hơn nhờ AI. Ảnh: Không quân Mỹ.

Ed Abbo, Chủ tịch C3 IoT nói: “AI sẽ đem lại nhiều lợi ích trong việc duy trì hoạt động cho chiến đấu cơ F-16. Chúng tôi đang tập trung vào các hệ thống dễ hỏng hóc như động cơ”. Ngoài lợi ích về chẩn đoán lỗi kỹ thuật, nền tảng AI mà C3 IoT phát triển còn cho phép Lầu Năm Góc tổng hợp và lưu trữ khối lượng dữ liệu khổng lồ.

AI cho phép xây dựng kho dữ liệu về bảo trì bao gồm những dữ liệu có và không có cấu trúc tạo nên cơ sở thống nhất dựa trên công nghệ đám mây. AI có thể thu thập tất cả thông tin sẵn có và đánh giá hiệu suất hoạt động của linh kiện.

Thậm chí, AI có thể phân tích và lý giải nguyên nhân dẫn đến thất bại của hệ thống. Ví dụ nếu một máy bay hạ cánh không thành công ở sa mạc, AI có thể phân tích và đưa ra những giải pháp bổ sung cần có để máy bay có thể hoạt động thành công trong tương lai.

Đối với các máy bay hiện đại, AI có thể truyền trực tiếp dữ liệu phân tích trong chuyến bay về trung tâm chỉ huy. Ê kíp trên mặt đất có thể biết chính xác những bộ phận cần sửa chữa trước khi máy bay hạ cánh. Các kỹ sư đang áp dụng cho AI các thuật toán mới theo kiểu tự học giúp nó có thể tự hoàn thiện tính năng.

Con dao hai lưỡi

Công nghệ AI đang đem lại những lợi ích không thể phủ nhận cho nhân loại. AI với khả năng phân tích nhanh và chính xác gấp nhiều lần so với con người giúp giảm khối lượng công việc, nâng cao hiệu suất lao động.

img

Một robot chiến đấu của quân đội Mỹ. Ảnh: Phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ.

Mỹ được xem là quốc gia tiên phong trong việc áp dụng AI vào quân sự. Hiện tại, Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Quân đội ở Maryland đang phát triển công nghệ “Kỹ thuật điều khiển nhóm không đồng nhất” nhằm quản lý nhiều robot khác nhau, tạo nên mạng lưới thống nhất.

Tương lai không xa, các robot quân sự của Mỹ từ những loại nhỏ chỉ bằng tem bưu chính, đến các robot to bằng chiếc xe jeep có thể tự động phối hợp với nhau để đạt đến mục tiêu chung. Một số robot đã được vũ trang và có thể chiến đấu thay binh sĩ ở những khu vực nguy hiểm.

Tuy nhiên, các nhà khoa học về AI liên tục đưa ra những cảnh báo về nguy cơ đối với con người khi áp dụng AI vào quân sự. Đặc biệt là việc sử dụng AI để phát triển các robot sát thủ tự động. Trung tuần tháng 11, Stuart Russell, giáo sư AI tại Đại học California phối hợp với Viện Nghiên cứu Future of Life đã đăng một video nói về viễn cảnh đáng sợ từ robot tấn công tự động.

Trung Hiếu (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem