Mỹ, Trung Quốc mua nhiều nhất, xuất khẩu lâm sản của Việt Nam đạt 7,9 tỷ USD, xuất siêu tới 6,66 tỷ USD

P.V Thứ tư, ngày 03/07/2024 08:39 AM (GMT+7)
Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 7,95 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023, xuất siêu 6,66 tỷ USD. Mỹ, Trung Quốc vẫn là những thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam.
Bình luận 0

Báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 7,95 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 52,3% so với kế hoạch. Đáng chú ý, một số thị trường chính tăng mạnh như Mỹ đạt 4,38 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2023; Trung Quốc đạt 1,059 tỷ USD, tăng 46,6%.

Xuất siêu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt: 6,664 tỷ USD, tăng 21,6%. Sản phẩm xuất siêu lớn nhất là gỗ và sản phẩm gỗ (6,16 tỷ USD, tăng 22,5%).

Theo Cục Lâm nghiệp, việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng đạt những kết quả tích cực. Lũy kế 6 tháng đầu năm, cả nước đã thu 1.521,16 tỷ đồng, trong đó, thu từ giao dịch tín chỉ carbon theo thỏa thuận ERPA là 239,58 tỷ đồng. Chi trả dịch vụ môi trường rừng, bao gồm dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon được triển khai hiệu quả, trở thành một nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp; phát triển nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ và dược liệu dưới tán rừng, phát triển các loại hình du lịch bền vững gắn với rừng.

Mỹ, Trung Quốc mua nhiều nhất, xuất khẩu lâm sản của Việt Nam đạt 7,9 tỷ USD, xuất siêu tới 6,66 tỷ USD- Ảnh 1.

Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 7,95 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: K.N

Về phát triển rừng, diện tích trồng mới rừng tập trung đạt 125.500 ha, đạt 51,2% kế hoạch, tăng 1,2% so với cùng kỳ; ước cả năm đạt khoảng 245.000 ha, đạt 100% kế hoạch năm. Trồng cây phân tán đạt 44,6 triệu cây, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, ước cả năm trồng đạt 130 triệu cây.

Cục Lâm nghiệp nhận định, để đạt được kết quả này, ngành đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đưa ra các giải pháp kịp thời và phù hợp; công tác chỉ đạo, điều hành bám sát mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng.

Đổi mới mô hình tăng trưởng từ dựa vào mở rộng diện tích và khối lượng sang tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp, nâng cao giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Việc quản lý chất lượng giống được nhiều địa phương quan tâm thực hiện, tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống đạt 85%.

Đáng chú ý, nhiều địa phương tích cực thực hiện trồng rừng gỗ lớn, chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, đến nay có 495.000ha được cấp chứng chỉ rừng.

Cũng theo Cục Lâm nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2024, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành lâm nghiệp được ban hành như: Nghị định số 04/2024/NĐ-CP ngày 12/01/2024 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/7/2024.

Bên cạnh đó, Cục Lâm nghiệp đã và đang thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng xây dựng các Nghị định, Thông tư thuộc kế hoạch năm 2024: Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Lâm nghiệp; Nghị định quy định về thanh lý rừng trồng; Nghị định quy định về nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT- BNNPTNT ngày 30/10/2019 hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2022/TT- BNNPTNT ngày 20/9/2022 hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc, cắm mốc 3 loại rừng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Lâm nghiệp tiếp tục bám sát tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án; tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13; Chiến lược phát triển lâm nghiệp; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; các chương trình, đề án trọng điểm đã xây dựng.

Tăng cường quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp, chú trọng khâu chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây bản địa, thâm canh rừng phù hợp với hệ sinh thái để nâng cao năng suất, sản lượng rừng trồng, phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn. Phát triển các hình thức liên kết, hợp tác, chia sẻ lợi ích trong chuỗi sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp.

Tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đẩy mạnh triển khai dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các - bon và phát triển thị trường tín chỉ cácbon rừng.

Triển khai các hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; sử dụng môi trường rừng bền vững.

Tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại; bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2024. Nhân rộng các mô hình liên kết thành công.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem