Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trồng "lúa xanh" vừa tăng năng suất vừa bảo vệ môi trường
Ông Lê Như Hùng ở xã Bình Hòa, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) là một trong những nông dân đầu tiên tham gia thực hiện thí điểm mô hình canh tác lúa xanh giảm phát thải. Gia đình ông vừa thu hoạch được gần 45 tấn lúa trên diện tích 4 ha sau 3 tháng gieo trồng.
Nhờ áp dụng quy trình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ và bón phân theo quy trình phù hợp, vụ lúa này ông Hùng giảm được một nửa lượng nước tưới và giảm 15% chi phí, nhưng năng suất tăng 2 tấn so với canh tác lúa thông thường. Đặc biệt, khi mô hình thành công còn góp phần bảo vệ môi trường, thêm thu nhập từ bán tín chỉ carbon.
"Tôi rất mong muốn các công ty và chính quyền địa phương nhân rộng mô hình này ra để bà con cùng sản xuất theo mô hình này. Nếu nhận được chứng chỉ carbon thì vừa có thêm thu nhập lại giảm phát thải khí nhà kính", ông Hùng vui vẻ cho biết.
Theo tính toán của Công ty Spiro Carbon (Mỹ), một trong những đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, đo đạc các chỉ số carbon trong nông nghiệp, 1ha lúa trồng theo mô hình canh tác lúa xanh giảm phát thải tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk ước chừng giảm được khoảng 3,5 tấn carbon.
Ông Ammarin Daranpon, đại diện Công ty Spiro Carbon nhận định, tỉnh Đắk Lắk có nhiều lợi thế trong triển khai canh tác lúa xanh, giảm phát thải. Đây cũng là cơ sở để mở rộng mô hình này ở các vùng trồng lúa của Việt Nam, góp phần giảm khí phát thải chung tay bảo vệ trái đất.
"Lúa xanh" sẽ cho thêm 20 USD/tấn
Ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon Việt Nam cho biết, công ty đang chờ kết quả chính thức của Công ty Spiro Carbon (Mỹ) về kết quả giảm phát thải từ mô hình sản xuất lúa ở Đắk Lắk. Khi có số liệu cụ thể, công ty sẽ mua tín chỉ carbon của nông dân với đơn giá 20 USD/tấn. Đồng thời, sẽ trao chứng chỉ carbon sản phẩm lúa gạo đầu tiên của Việt Nam cho nông dân Đắk Lắk.
"Việc trồng lúa giảm phát thải là một biện pháp rất tốt để trái đất đỡ nóng lên. Đồng thời, năng suất lúa vẫn ổn định, thậm chí tăng, vấn đề an ninh lương thực được đảm bảo. Tôi tin đây là biện pháp tốt mà các vùng trồng lúa nên áp dụng", ông Tiến chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk, hằng năm toàn tỉnh sản xuất lúa ổn định trên 100.000 ha, sản lượng ước đạt 800.000 tấn/năm. Việc thực hiện thí điểm thành công mô hình canh tác lúa xanh giảm phát thải tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana là cơ sở quan trọng để Đắk Lắk phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo, nhằm gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng tầm mặt hàng này trở thành thế mạnh của tỉnh.
"Sở sẽ phối hợp với các huyện có vùng lúa trọng điểm rà soát lại đăng ký danh sách, có thể triển khai vụ mùa sắp tới. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch bài bản và có sự tham gia tự nguyện của các huyện và đặc biệt là của người dân. Điều này rất tốt, bởi người nông dân tham gia sản xuất vừa tăng năng xuất, chất lượng được nâng lên và có thể thu được khoản kinh phí từ bán tín chỉ carbon", ông Hiển cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.