Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản mua lượng khổng lồ, giá 5 loại nông sản này tăng vọt

K.Nguyên Thứ ba, ngày 02/11/2021 18:30 PM (GMT+7)
Bất chấp những tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam vẫn đạt gần 38,75 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.
Bình luận 0

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản tăng mua, 10 mặt hàng tăng giá trị xuất khẩu

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt trên 3,4 tỷ USD, giảm 15,6% so với tháng 10/2020 nhưng tăng 4,2% so với tháng 9/2021.

Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 38,8 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt gần 17,4 tỷ USD, tăng 12,7%; lâm sản chính đạt khoảng 12,8 tỷ USD, tăng 22,3%; thủy sản đạt gần 6,9 tỷ USD, giảm 0,8%; chăn nuôi ước đạt 359 triệu USD, tăng 6,1%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 22,3%.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ đạt trên 10,8 tỷ USD (chiếm 27,9% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,4%.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 7,5 tỷ USD (chiếm 19,3% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 23,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,6 tỷ USD; thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,7 tỷ USD.

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản mua lượng khổng lồ, giá 5 loại nông sản này tăng vọt - Ảnh 1.

10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 38,8 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Trong ảnh: Thanh long Bình Thuận vừa được Nhật Bản chứng nhận bảo hộ, mở ra cơ hội xuất khẩu lớn. Ảnh: CTV.

Đáng chú ý, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến chuỗi cung ứng nhưng trong 10 tháng năm 2021, nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: Cà phê, cao su, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, tôm; sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm, quế,… 

Trong đó, cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Đơn cử xuất khẩu cao su tăng 13,9% về khối lượng, 46,5% về giá trị; hạt điều tăng 14,1% về khối lượng, 13,5% về giá trị; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 7,7% về khối lượng và 21,2% về giá trị. 

Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 783.000 tấn, giảm 5,7%) nhưng nhờ giá tiêu xuất khẩu bình quân tăng 52,9% nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng 44,2%; cà phê khối lượng giảm 5,1% nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng 4,1%. 

Do nhu cầu tăng đột biến từ các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng tăng.

Cụ thể, giá cao su đạt 1.680 USD/tấn, tăng 4,1%; chè đạt 1.665,8 USD/tấn, tăng 28,7%; cà phê đạt 1.901,8 USD/tấn, tăng 9,7%; hồ tiêu đạt 3.434,2 USD/tấn, tăng tới 71,3%; giá sắn đạt 259,6 USD/tấn, tăng 13,3%.

Mảnh vườn, cái ao tạo ra bức tranh nông nghiệp dương; Mỹ, Trung Quốc mua tới tấp

Chia sẻ tại một cuộc tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây về vị trí trụ đỡ của nông nghiệp trong đại dịch, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, từ câu chuyện trong đại dịch vừa rồi có thể nhìn thấy ngành nông nghiệp với hàng chục triệu hộ nông dân có thể linh hoạt và năng động hơn trong đại dịch.

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản mua lượng khổng lồ, giá 5 loại nông sản này tăng vọt - Ảnh 2.

Sản phẩm dừa sáp Trà Vinh vừa được chào bán thành công ở Úc với giá 600.000 đồng/quả. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Úc.

"Trên từng mảnh vườn, cái ao… vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế, tạo ra bức tranh nông nghiệp “dương” so với nhiều ngành khác" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng sức lan toả ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh. 

"Như vậy phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP. Đây là một ngành kinh tế bao trùm đem lại thu nhập cho hàng chục triệu con người chứ không phải một nhóm người" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, khi trao đổi với các đại sứ của Việt Nam ở Liên minh châu Âu, mới phát hiện nông sản mình bán ra ít lắm, lâu lâu mới có vài thương vụ, đa phần bán ở cửa hàng người gốc Á như người Việt, người Thái Lan.

"Nhiều đại sứ có nói nhiều khi thanh long của mình bán ở cửa hàng Thái Lan, nghĩa là chúng ta chưa đi đàng hoàng đường bệ mà còn rất rụt rè ở phân khúc gặp nhiều rủi ro hoặc là bán trong cộng đồng người Việt. Khi đưa nông sản của mình vào được hệ thống phân phối chính quy của họ thì mới định hình thương hiệu cho mặt hàng nông sản của quốc gia" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Để tiếp tục mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản, thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương với Nga, Thụy Sỹ, Cuba, Indonesia, Hàn Quốc,... Tiếp tục làm việc với Mỹ để xây dựng kế hoạch hành động thực hiện thỏa thuận với Mỹ về gỗ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem