Chiến lược này đặt mục tiêu thực hiện đào tạo nghề để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40% (tương đương 23,5 triệu người) vào năm 2015 và 55% vào năm 2020 (tương đương 34,4 triệu người).
Theo chiến lược này, giai đoạn 2011 - 2015 sẽ đào tạo mới trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề khoảng 2,1 triệu người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 7,5 triệu người, trong đó có 4,7 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020)" (Đề án 1956).
Giai đoạn 2016 - 2020 đào tạo mới trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề khoảng 2,9 triệu người (trong đó 10% đạt cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế); sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 10 triệu người, trong đó có 5,5 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án 1956...
Để đạt được các mục tiêu nói trên, chiến lược xác định cần thực hiện đồng bộ 9 giải pháp, trong đó giải pháp "Đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề" và giải pháp "Phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề" là hai giải pháp đột phá; giải pháp "Xây dựng khung trình độ nghề quốc gia" là giải pháp trọng tâm. Một giải pháp khác là chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia về trình độ đào tạo, kỹ năng và sư phạm nghề. 100% số giáo viên này phải đạt chuẩn vào năm 2014.
Những giải pháp đáng chú ý khác như: Xây dựng khung trình độ nghề quốc gia tương thích với khung trình độ giáo dục quốc gia; hoàn thiện khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; ban hành các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho các nghề phổ biến... Chiến lược cũng đưa ra giải pháp gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp.
Theo đó, xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa dạy nghề với thị trường lao động ở các cấp (cả nước, vùng, tỉnh, huyện, xã) để đảm bảo cho các hoạt động của hệ thống dạy nghề hướng vào việc đáp ứng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của người sử dụng lao động và giải quyết việc làm.
Nhật Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.