Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm 80%
Theo ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NNPTNT), 2018 là năm bội thu về mùa và giá gạo. Xuất khẩu gạo năm 2018 ước đạt 3,03 tỷ USD, tăng 16,1% về giá trị so với năm 2017. Giá gạo xuất khẩu năm 2018 cũng tăng mạnh, từ 452USD/tấn (năm 2017) lên 502USD/tấn trong năm 2018, trong đó gạo chất lượng cao chiếm tới 80%.
Xuất khẩu gạo năm 2018 đạt được con số ấn tượng 3,03 tỷ USD. Ảnh: T.L
Đặc biệt, giống gạo thơm dẻo Japonica đang được thị trường thế giới ưa chuộng. Đây là giống gạo xuất xứ từ Nhật, thích hợp với điều kiện khí hậu ở Việt Nam nên cho thu hoạch tốt, được người dân trồng ở vụ đông xuân có điều kiện khí hậu thích hợp.
Với kết quả tích cực của năm 2018, ngành Công Thương các tỉnh ĐBSCL đang kỳ vọng xuất khẩu gạo năm 2019 sẽ đạt kết quả cao hơn. Hiện tại, tỉnh Long An dự kiến sẽ đạt kim ngạch 5,9 tỷ USD (tăng khoảng 15,7% so với 2018), TP.Cần Thơ đặt mục tiêu khoảng 2,2 tỷ USD (tăng gần 6,3% so với 2018), tỉnh An Giang cũng dự kiến sẽ đạt trên 900 triệu USD trong 2019.
Những ngày đầu năm 2019, đơn hàng từ các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL đã tăng, tập trung vào các sản phẩm gạo chất lượng cao.
Đầu tư công nghệ, đẩy mạnh chế biến
Tại Hội nghị Gạo thế giới lần thứ 10 tổ chức tại Hà Nội, ông Shawn Hackett - Chủ tịch Công ty Hackett Financial Advisors đã đưa ra dự báo, năm 2019 đánh dấu chu kỳ tăng giá gạo trên toàn thế giới, nguyên nhân do biến đổi khí hậu sẽ đẩy giá gạo tăng cao hơn trong vòng 4 năm tới. Dự báo này hoàn toàn có căn cứ khi đại diện Philippines cho biết, do thường xuyên phải đối mặt với tình hình thời tiết bất lợi, nên mỗi năm quốc gia này phải nhập khẩu tới 1,5 triệu tấn gạo (nước nhập khẩu gạo lớn thứ 4 thế giới). Người tiêu dùng Philippines đang có xu hướng sử dụng các loại gạo ngon, thơm...
Tương tự, đại diện Bộ Thương mại Iraq cho biết, mỗi năm nước này có nhu cầu nhập khẩu hơn 1 triệu tấn gạo. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt, tuy nhiên, thách thức vẫn còn lớn khi chúng ta phải cải thiện chất lượng gạo hơn nữa. Hiện, nhiều loại gạo Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của châu Âu.
Tại thị trường Trung Quốc, từ 1.1.2019, gạo nhập khẩu bên cạnh phải chịu mức thuế cao như đã áp dụng từ 1.7.2018 còn phải tuân thủ các quy định khác như: Thời gian xông trùng phải đạt 120 giờ; mẫu kiểm tra phải được đưa đến cơ sở quốc kiểm của Trung Quốc kiểm nghiệm; bao bì, nhãn mác phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa theo thông lệ quốc tế và có dấu của cơ quan quốc kiểm Trung Quốc. Nếu không hợp lệ thì sẽ bị từ chối cấp chứng thư để nhập khẩu vào thị trường này. Nhiều doanh nghiệp lo ngại, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2019 sẽ rất khó khăn nếu thị trường lớn này bị ách tắt.
Tuy vậy, theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), Bộ NNPTNT đã đàm phán và đã được phía bạn đồng ý lùi thời gian áp dụng quy định này đến giữa năm 2019.
Trước những thời cơ và thách thức năm 2019, để giữ vững thị trường hiện có, mở rộng thêm các thị trường mới, theo ông Trần Xuân Định, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần đầu tư công nghệ, đẩy mạnh chất lượng chế biến, chú trọng các khâu từ tách màu, đánh bóng….
Xác định được mục tiêu nâng cao giá trị gạo, năm 2019, ngành lúa gạo tiếp tục tập trung đi theo hướng sản xuất bền vững, tăng sản xuất các giống lúa chất lượng để nâng cao chất lượng, giá trị tại thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó lưu ý về vấn đề an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.