Năm 2023 Hà Nội mới phê duyệt quy hoạch, đi sau cả Lai Châu, Hà Giang

An Linh Thứ hai, ngày 30/05/2022 16:33 PM (GMT+7)
Hà Nội từng tồn tại 140-160 quy hoạch thành phố khác nhau, đến năm 2023, Hà Nội và TP.HCM mới hoàn tất việc thẩm định và phê duyệt quy hoạch chung toàn thành phố. Về công tác quy hoạch, hai thành phố lớn đi sau cả Hà Giang, Lai Châu.
Bình luận 0

Đoàn giám sát của Quốc hội về Luật Quy hoạch 2017 vừa có báo cáo về công tác quy hoạch của các Bộ, ngành địa phương, trong đó nhấn mạnh đến nhiều "lỗ hổng" về quy hoạch vùng, địa phương.

Hà Nội từng tồn tại 140-160 quy hoạch khác nhau

Năm 2023 Hà Nội mới phê duyệt quy hoạch, đi sau cả Lai Châu, Hà Giang - Ảnh 1.

Đến năm 2023, Hà Nội mới hoàn thiện thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung.

Cụ thể, riêng với Hà Nội và TP.HCM, hai đầu tàu kinh tế cả nước, Đoàn giám sát cho biết hai địa phương này vẫn chưa hoàn tất thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Đến năm 2023, công tác này mới hoàn thành.

Cụ thể, báo cáo cho biết, hiện đã có 24 quy hoạch tỉnh được lập xong trong đó có các tỉnh như Ninh Thuận, Thái Nguyên, Lai Châu, Hà Giang, Hà Nam, Bắc Cạn, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Nghệ An, Trà Vinh, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang và Bình Thuận.

Tỉnh có quy hoạch đã được phê duyệt trong 24 tỉnh trên là Bắc Giang. 05 quy hoạch tỉnh đã được thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tuyên Quang, Lào Cai và Thanh Hóa. 18 quy hoạch tỉnh đã gửi xin ý kiến và chuẩn bị thẩm định.

Các địa phương còn lại đang tích cực triển khai và hầu hết đều cam kết phấn đấu hoàn thành xong trước ngày 31/12/2022. Riêng Hà Nội dự kiến hoàn thành thẩm định và phê duyệt quy hoạch năm 2023.

Về Hà Nội, dẫn thông tin của TS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, Đoàn Giám sát của Quốc hội cho biết TP.Hà Nội từng có từ 140 đến 160 quy hoạch dẫn đến rất khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 110 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh.

Đến ngày 27/5/2022, có 07/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 04 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang.

Ngoài ra, nhiều quy hoạch các cấp cũng đang trong quá trình tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai: 01 quy hoạch tỉnh đang trình phê duyệt; 05 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; 14 quy hoạch ngành quốc gia, 18 quy hoạch tỉnh đã gửi lấy ý kiến và chuẩn bị thẩm định. Về cơ bản, các nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt trong thời gian qua đã tuân thủ quy trình, thủ tục, nội dung quy định tại Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ.

Với việc xây dựng hệ thống quy hoạch quốc gia như trên, số lượng quy hoạch được lập cho cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh còn 111 quy hoạch, gồm: 01 quy hoạch tổng thể quốc gia, 01 quy hoạch không gian biển quốc gia, 01 quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 39 quy hoạch ngành cấp quốc gia, 06 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh.

Số lượng quy hoạch đã giảm từ 3.654 quy hoạch thời kỳ trước khi Luật quy hoạch có hiệu lực xuống còn 111 quy hoạch, giảm 3.543 quy hoạch (giảm 97%).

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, công tác quy hoạch như là một người công binh mở đường, nếu mở đường thắng lợi thì cuộc chiến sẽ thắng lợi, còn nếu chúng ta làm không tốt sẽ dẫn đến sự thất bại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem