Năm 2025, gửi tiền ngân hàng nào có lãi suất tiết kiệm cao nhất?
Năm 2025, gửi tiền ngân hàng nào có lãi suất tiết kiệm cao nhất?
L. Anh
Thứ ba, ngày 07/01/2025 10:53 AM (GMT+7)
Cập nhật của PV Dân Việt cho thấy, với tiền gửi thông thường (dưới 1 tỷ đồng), lãi suất tiết kiệm dao động trong khoảng 6 - 6,3%/năm, chủ yếu tập trung tại các ngân hàng nhỏ. Các chuyên gia phân tích dự báo, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng trong năm 2025.
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) đã áp dụng biểu lãi suất huy động tiền gửi mới và điều chỉnh ở một số kỳ hạn. Trong đó, ngân hàng này tăng lãi suất huy động kỳ hạn 18 – 24 tháng thêm 0,3%/năm lên 6,3%/năm. Đây là mức lãi suất tiền gửi cao nhất toàn hệ thống tính đến thời điểm hiện nay.
Hay như Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank), nhà băng này đang áp dụng lãi suất tiết kiệm 6,15%/năm cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 13 - 36 tháng. Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) hiện niêm yết mức lãi suất lên tới 6,1%/năm dành cho kỳ hạn 18-36 tháng.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) công bố mức lãi suất 6,1%/năm dành cho tiền gửi online 18 tháng.
Không nằm ngoài "đường đua", Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) hiện cũng nằm trong danh sách các ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất hệ thống với mức lãi suất cao nhất là 6,1%/năm dành cho tiền gửi online 18 tháng.
Một số ngân hàng khác cũng đang niêm yết lãi suất huy động cao nhất trong vùng 6%/năm như BaoVietBank (6%/năm), CBBank (6%/năm), Saigonbank (6%/năm),...
Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân lớn như ACB, Techcombank, MB, VPBank đang áp dụng lãi suất huy động cao nhất trong khoảng 4,9 – 5,5%/năm.
Nhóm ngân hàng quốc doanh hiện có lãi suất huy động cao nhất chỉ ở mức 4,7 – 4,8%/năm, dành cho kỳ hạn gửi từ 12 tháng trở lên. Và Agribank là ngân hàng áp dụng lãi suất cao nhất là 4,8%/năm dành cho tiền gửi 24 tháng.
Dự báo lãi suất tiết kiệm tăng 0,2-0,3 điểm % trong năm 2025
Tại báo cáo vĩ mô nhìn lại diễn biến thị trường tiền tệ năm 2024, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, so với cuối năm 2023, lãi suất huy động bình quân các kỳ hạn 1 tháng, 6 tháng và 12 tháng tăng khoảng 0,1 – 0,15 điểm %. So với mức lãi suất thấp nhất được ghi nhận vào cuối quý 1, lãi suất huy động bình quân các kỳ hạn 1 tháng, 6 tháng, 9 tháng tăng khoảng 0,9 điểm %.
Còn theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) về xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý I/2025, các tổ chức tín dụng nhận định ước tính đến cuối năm 2024, mặt bằng lãi suất tiết kiệm VND duy trì tương đối ổn định trong khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm so với cuối năm 2023, nhất quán với kỳ vọng tại cuộc điều tra cùng kỳ năm trước và quý trước.
Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng dự kiến có thể điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm và cho vay khoảng 0,2-0,3 điểm % trong năm 2025.
Đề cập đến xu hướng trong năm 2025, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán VPBank cho rằng lãi suất điều hành sẽ tăng, nhưng nhiều khả năng không phải trong nửa đầu năm. "Nếu chưa tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cần phải điều hành linh hoạt hơn trong câu chuyện tỷ giá, cho phép VND biến động trong biên độ lớn hơn", ông Sơn nói.
Vị chuyên gia phân tích: Mặt bằng lãi suất trong năm 2025 được giữ nguyên đã là một tín hiệu tích cực, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt trong việc điều tiết lãi suất liên ngân hàng và sử dụng các công cụ như phát hành tín phiếu để kiểm soát thanh khoản và duy trì ổn định tỷ giá trong năm 2024.
Trong nửa đầu năm 2025, sự ổn định này có thể tiếp tục được giữ vững, đặc biệt trong bối cảnh thị trường quốc tế chưa có biến động lớn. Tuy nhiên, những biến động khó lường như sự tăng giá mạnh của đồng USD, lạm phát tăng cao trở lại hoặc tăng trưởng tín dụng bùng nổ có thể gây áp lực buộc Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh lãi suất dần tăng vào nửa cuối năm.
Theo thống kê của CTCP Chứng khoán MB (MBS), lãi suất tiền gửi bắt đầu tăng trở lại vào tháng 4 khi lãi suất tiền gửi thấp, dẫn đến việc rút dần tiền gửi của công chúng khỏi hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, xu hướng tăng trở nên rõ rệt hơn từ tháng 6, khi tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ 3,4% vào cuối tháng 5 lên 6,1% vào cuối tháng 6. Tăng trưởng tín dụng vượt xa tăng trưởng tiền gửi 2-3 lần đã thúc đẩy cuộc cạnh tranh tăng lãi suất tiền gửi, với một số ngân hàng vượt quá 6%/năm tại một số thời điểm.
Mặt khác, lãi suất huy động duy trì ở mức thấp và nhu cầu tín dụng bán lẻ yếu trong 6 tháng đầu năm 2024 đã khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất cho vay trong quý III/2024. Hơn nữa,Thông tư 06/2023/TT-NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại phải công bố lãi suất cho vay mới, thúc đẩy tính minh bạch.
"Chính sách này đã làm tăng cường cạnh tranh giữa các ngân hàng, góp phần làm giảm đáng kể lãi suất cho vay vào quý III/2024. Ngoài ra, tác động của cơn bão Yagi đã thúc đẩy các ngân hàng liên tục hạ lãi suất và tung ra các gói vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân trong quý III/2024", chuyên gia MBS cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.