Nậm Chảy không chịu đói nghèo

Lê San Thứ năm, ngày 02/04/2015 11:29 AM (GMT+7)
Thuộc huyện vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn, nhưng mỗi năm xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương (Lào Cai) đều đạt tỷ lệ giảm nghèo từ 7 – 8%. Đời sống của bà con các dân tộc thay đổi từng năm. 
Bình luận 0

Chỉ nghèo khi lười lao động

Xã Nậm Chảy có 10 dân tộc cùng sinh sống, với 6 thôn biên giới, trong đó người Mông chiếm đa số. Chỉ cách trung tâm huyện Mường Khương hơn 10km, nhưng mới cách đây 2 năm, việc đi vào trung tâm xã chứ chưa nói tới các thôn, hết sức khó khăn.

img
Người dân xã Nậm Chảy thoát nghèo nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ảnh: Lê San
Theo ông Ma Chiến Phúc – Chủ tịch UBND xã Nậm Chảy, đất đai ở đây không thiếu, lại rất màu mỡ, nhưng dân vẫn nghèo là do đường sá ách tắc. Tỷ lệ hộ nghèo cách đây 3 – 4 năm lên tới gần 90%. “Ở đây bà con sản xuất ra được từ ngô, chuối, cho đến cây ăn quả… nhưng không có đường giao thông nên đành chịu. Ngô, chuối trồng ra không bán được có lúc để thối mốc trong nhà. Mà có bán được thì cũng bị ép giá” – ông Phúc cho hay.

 

Từ giữa năm 2014, con đường tỉnh lộ đi vào trung tâm xã được đầu tư khang trang, từ đó hàng hoá cũng được khơi thông. Đời sống của bà con bắt đầu khá lên. Chính quyền xã cũng không ngồi yên chịu đói nghèo. Các kế hoạch phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng được đưa ra. “Dựa trên thế mạnh của từng khu vực, chúng tôi đưa ra kế hoạch sản xuất như khu vực biên giới tập trung vào phát triển trồng chuối với hơn 50ha, ở trung tâm xã sản xuất ngô hàng hoá, nơi vùng cao tập trung vào cây thảo quả. Bây giờ hộ nào còn nghèo là do lười lao động, nhà đông con thôi, chứ không phải nghèo vì không có phương thức làm ăn” – ông Phúc khẳng định.

Điểm sáng vùng biên

Quan điểm

Ông Ly Sảo Chín
  Lúc trước toàn phải ăn bữa nay lo bữa mai, làm gì biết đến cái tivi, xe máy. Giờ thì gần như nhà nào trong thôn cũng có ít nhất một cái, đủ ăn rồi nên chỉ nghĩ đến làm giàu, con cháu được đến trường đầy đủ”.  
Đi vào tận từng thôn bản mới thấy được đời sống của người dân đã khác trước nhiều. Ông Ly Sảo Chín – Trưởng thôn Cốc Ngù, người Pa Dí tự hào nói: “Cả đời tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, chưa bao giờ thấy dân bản mình khá như vậy”.

 

Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) xã Nậm Chảy là một trong những ngôi trường kiểu mẫu của huyện với mô hình nông trại trường học vừa giúp cải thiện bữa ăn vừa nâng cao kỹ năng sống của các em học sinh. Cô giáo Định Thị Thoan – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Nậm Chảy cho hay: “Đời sống khá lên, nên bố mẹ cũng rất quan tâm đến việc đi học của con cái. Phụ huynh học sinh thường xuyên đến giúp nhà trường cải tạo trường học, hỗ trợ cây giống, vật nuôi để cải thiện bữa ăn cho các cháu. Nhờ vậy, tỷ lệ chuyên cần ở trường luôn đạt trên 90%”.

“Hiện nay, Nậm Chảy còn 6 thôn bản chưa có điện, chủ yếu là các bản giáp biên. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao 48% nhưng với tốc độ giảm nghèo nhanh. Vì vậy, Nậm Chảy vẫn là một điểm sáng trong xoá nghèo bền vững ở vùng biên” - ông Nguyễn Chí Sự - Phó Bí thư Huyện ủy huyện Mường Khương cho hay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem