Nam Định hợp tác với Nhật Bản trong tái cơ cấu nông nghiệp

Trọng Đạt Thứ năm, ngày 15/01/2015 08:30 AM (GMT+7)
Trong lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Nam Định đang triển khai các chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp với đối tác từ Nhật Bản, nhằm hướng tới 3 mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Bình luận 0

img
Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng lãnh đạo tỉnh kiểm tra vùng quy hoạch chuyển đổi.

Để tìm hiểu kỹ hơn vấn đề này, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hải Điền – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định.

 

Các nội dung chính của chương trình hợp tác với phía Nhật Bản mà Nam Định và các đối tác đã đề là gì, thưa ông?

Thực hiện chương trình hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, tỉnh Nam Định được Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo cơ hội hợp tác với các địa phương và các trường đại học của Nhật Bản. Mục tiêu mà hai bên hướng tới là xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, có hiệu quả kinh tế cao theo hướng phát triển bền vững.

Qua chương trình và nội dung làm việc, bước đầu hai bên đã thống nhất những nội dung: Hợp tác trong chuyển giao công nghệ trong khâu chọn giống cây, giống con nuôi và ứng phó với biến đổi khí hậu; hợp tác về cơ khí nông nghiệp và các lĩnh vực công nghiệp khác; hợp tác về tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, liên kết triển khai các dự án khôi phục, phát triển các nghề thủ công cơ giá trị kinh tế cao của Nam Định để đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước khác; hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực.

img

Đoàn cán bộ tỉnh Nam Định và tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) trong một chuyến gặp gỡ thực địa. 

 

Ông có thể cho biết, khi nào thì hợp tác này sẽ được triển khai trên thực tế?

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định đang xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức triển khai các chương trình hợp tác đạt kết quả cao. Trước mắt, chúng tôi chuẩn bị tốt các điều kiện để từ tháng 2.2015 thực hiện dự án hỗ trợ thúc đẩy nâng cao thu nhập và ổn định sản xuất, kinh doanh nông nghiệp cho khu vực lân cận thành phố Hà Nội và tỉnh Nam Định.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được xác định là nội dung cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới. Những mục tiêu của tái cơ cấu nông nghiệp mà Nam Định hướng tới là gì, thưa ông?

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Nam Định hướng tới 3 mục tiêu: sản xuất chất lượng giá trị gia tăng cao và bền vững; nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn; quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Ngành nông nghiệp tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Nam Định giai đoạn 2014 – 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, tỉnh tiến hành rà soát, đánh giá tổng kết các mô hình liên kết theo chuỗi hiện có, từ đó đề xuất các cơ chế chính sách để hoàn thiện và mở rộng các mô hình này.

img

  Ông Đoàn Hồng Phong - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn cán bộ UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra lúa Mùa 2014.

 

Theo ông, yếu tố nào sẽ gắn kết và quyết định sự thành công của việc xây dựng chuỗi từ sản xuất đến thị trường?

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp là chủ thể, chính quyền các cấp giữ vai trò định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng... nhằm đổi mới nền nông nghiệp Nam Định theo hướng sản xuất hàng hóa.

Với kinh nghiệm của Nam Định, chúng tôi nhận thấy việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị chỉ có thể thành công khi hai nhân tố chính trong chuỗi liên kết là nông dân và doanh nghiệp phải ngồi chung trên một con thuyền và doanh nghiệp đóng vai trò lái con thuyền đó đi đúng hướng.

Trong bối cảnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Nam Định đã tạo những nền tảng nào cho phát triển nông nghiệp hàng hóa?

Khi xây dựng nông thôn mới, Nam Định đã kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách, lựa chọn cách làm và bước đi phù hợp với điều kiện của tỉnh. Trong đó, thành công nổi bật là việc xác định công tác dồn điền đổi thửa là khâu đột phá và đã thực hiện thành công. Từ đây mở đầu cho các bước đi trong việc huy động nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng. Những nền tảng cơ bản này là lộ trình để Nam Định hình thành vùng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp.  

Trân trọng cảm ơn ông!

“Với kinh nghiệm của Nam Định, chúng tôi nhận thấy việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị chỉ có thể thành công khi hai nhân tố chính trong chuỗi liên kết là nông dân và doanh nghiệp phải ngồi chung trên một con thuyền và doanh nghiệp đóng vai trò lái con thuyền đó đi đúng hướng”.

Ông Đỗ Hải Điền – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem