Nấm Lư học trồng lúa

Thứ ba, ngày 10/05/2011 00:06 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dự án “Tăng cường năng lực cho đồng bào dân tộc thiểu số” của CAEV đã dạy đồng bào xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, Lào Cai nghề nuôi lợn nái đen sinh sản, giun quế; trồng lúa đặc sản Séng Cù...
Bình luận 0

Nấm Lư là xã 135, có 14 thôn, bản với 611 hộ, trong đó đồng bào Nùng chiếm 81%, còn lại là đồng bào Mông, Phù Lá, Pa Dí, Tu Dí...

Dạy nghề kèm xoá mù chữ

img

Đồng bào dân tộc xã Nấm Lư trồng giống lúa đặc sản Séng Cù.

Bà Phạm Thị Bình - kỹ sư nông nghiệp, cán bộ khuyến nông của Trung tâm Khuyến nông tự nguyện (CAEV) vẫn nhớ như in cách đây hơn 3 năm khi bà và nhóm chuyên gia nông, lâm nghiệp đặt chân đến Nấm Lư để triển khai dự án. Ba thôn Pạc Ngam, Lủng Phạc, Cốc Chứ - nơi thực hiện dự án gọi là gần trung tâm xã, nhưng chỉ có 6 người tốt nghiệp THPT và còn tới 167 người đa số là phụ nữ mù chữ.

“Trước khi tổ chức dạy nghề, hướng dẫn bà con tổ chức lại sản xuất, chúng tôi đề xuất và được cấp uỷ, chính quyền, ngành giáo dục ủng hộ việc mở các lớp xoá mù chữ. Khi chị em biết chữ, việc dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn mới có hiệu quả” - bà Bình chia sẻ.

Dạy nghề cho bà con là rất khó khăn trong bối cảnh dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu. Sau nhiều ngày tìm hiểu, rồi tham khảo ý kiến của cán bộ địa phương, nhóm chuyên gia nông lâm nghiệp của CAEV quyết định dạy bà con những nghề dễ học, có thể áp dụng ngay, đó là nuôi lợn đen sinh sản; nuôi giun quế; trồng lúa đặc sản Séng Cù và trồng mây nếp dưới tán rừng.

Ông Vàng Dỉn Phà - Bí thư Đảng uỷ xã Nấm Lư tâm sự: “Lợn đen, lúa Séng Cù là những vật nuôi, cây trồng quen thuộc bao đời của đồng bào. Được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, thâm canh nên thu nhập của bà con cải thiện đáng kể”.

Cải thiện nhanh thu nhập

img Năm 2007, thu nhập bình quân đầu người trong xã Nấm Lư chỉ hơn 1,9 triệu đồng/năm; năm 2010 là gần 4,5 triệu đồng. Sắp tới, khi diện tích mây nếp trồng dưới tán rừng cho thu hoạch, xã sẽ mở nghề mây giang đan... img

Ông Vàng Dỉn Phà- Bí thư Đảng uỷ xã Nấm Lư

Thôn Cốc Chứ, 3 năm nay luôn duy trì 3ha diện tích trồng lúa Séng Cù. Sau khi được phục tráng, bà con trong thôn áp dụng kỹ thuật canh tác hữu cơ, nên năng suất giống lúa cổ truyền đặc sản này tăng hơn gấp đôi. Anh Lù Sẩu Tài cho biết: “Trước kia gieo 3kg thóc giống, mỗi vụ nhà tôi chỉ thu được gần 10 bao thóc thịt, nay được hơn 20 bao (khoảng 700kg).

Giá bán thóc Séng Cù hiện hơn 10.000 đồng/kg, gấp đôi thóc thường”. Anh Lùng Chẩn Chùi - Trưởng thôn Lủng Phạc thổ lộ: “Séng Cù là lúa cổ truyền của đồng bào DTTS ở huyện Mường Khương. Lúa được phục tráng và bón bằng phân hữu cơ do chính bà con tự ủ nên hạt gạo sạch, có bao nhiêu, thương lái từ vùng xuôi lên mua hết”.

Lợn đen cũng là vật nuôi lâu đời của đồng bào xã Nấm Lư. Trong xu thế ngày càng có nhiều người ưa chuộng thịt lợn đen, việc CAEV hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn nái sinh sản đã giúp bà con phát triển nhanh đàn lợn. Anh Lù Tà Pỉn, thôn Pạc Ngam cho biết: “Dự án hỗ trợ gia đình tôi một con lợn nái. Lứa đầu, lợn mẹ đẻ 10 con. Nuôi lớn, tôi chọn con cái dáng đẹp giữ lại làm giống, còn lại bán lấy tiền mở rộng chăn nuôi. Tôi sẽ xây cái bể khí biogas như nhà Lý Sử Tíu...”.

Ông Vàng Dỉn Phà phấn khởi: “Nuôi giun quế là mô hình rất mới, nhưng được nhiều hộ ở Nấm Lư tiếp thu rất nhanh, áp dụng hiệu quả. Nuôi giun quế hỗ trợ rất nhiều cho việc chăn nuôi gia cầm, nhất là giống gà đen. Nguyên liệu nuôi giun quế rất sẵn. Gà ăn giun nhanh lớn, thịt thơm ngon. Bên cạnh gạo Séng Cù, lợn đen thì gà đen cũng được thương lái mua với giá cao...”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem