Theo dự báo, năm nay sẽ có nhiều người về quê ăn Tết xong không quay lại đời thợ nữa. Có người nói “giấc mộng Nam tiến” của nông dân miền Bắc, miền Trung đang... nhạt màu son phấn. Có người đi làm hơn 10 năm, thu nhập 2 triệu/tháng, nếu cứ làm mãi cũng không xây được tổ ấm. Nuôi mình “vắt mũi vừa đủ bỏ miệng” nói chi đến nuôi vợ, nuôi con. Đến các cô dâu Việt ở nước ngoài cũng phải gửi con về cho ông bà ngoại nuôi hộ, thành một đàn trẻ không quốc tịch và hộ khẩu, chưa biết tương lai ra sao. Thậm chí, có người còn nghĩ mình làm cả tháng bằng mấy ông nhà giàu ăn bát phở VIP thì thà đi đánh giày, làm thợ phụ hồ còn hơn thợ doanh nghiệp.
Lại có người hỏi: Sao bà con mình không nuôi nhông, nuôi lợn rừng, nuôi nhím, hay lên rừng bắt tắc kè, “ngậm ngải tìm trầm”, tìm gốc cây gỗ lũa, hoặc trồng cây kiểng bán 60 tỷ... cho đỡ khổ, thoát nghèo? Cũng là nghe nói thế, nếu ai cũng làm giàu nhanh, hốt bạc được thì sang năm 2011 này bưởi hồ lô cũng chỉ bằng Năm Roi? Đất chật người đông, người khôn của khó lắm!
Năm mới nói chuyện cũ nghe kém vui quá. Chuyện mới có gì đây? Chọn ra chuyện bác Tư Hiện ở Châu Đốc cưỡi xe bạc tỷ đi thăm đồng, oai hơn cả công tử Bạc Liêu thời xa lắc. Bác này làm gì mà giàu? Chỉ làm ruộng thôi. Làm ruộng sao giàu hơn các bác Hai Lúa khác? Ông này ở thị xã, làm cán bộ, có vốn, bỏ “quan trường” tậu 135ha đất ở Tri Tôn trồng tràm.
Rừng tràm mùa khô cháy sạch. Tư Hiện nhổ hết tràm, cấy lúa. Lúa trúng vụ, 15 tấn/ha thế là thành công. Ở huyện này có hơn 1.000 trang trại, nhiều chủ trại sắm ôtô đi làm ruộng như Tư Hiện. Nghe ngon lành chứ bà con? Đành rằng không phải ai cũng có vốn như Tư Hiện và không phải ở đâu cũng sẵn đất ruộng mà mua.
Nhiều chủ trại ở Tri Tôn cho biết muốn được như Tư Hiện còn phải buôn bán, kinh doanh các dịch vụ nông nghiệp. Nhưng dẫu sao đây cũng là minh chứng cho lối làm ăn mới, làm lớn trúng lớn. Một điều các “Hai Lúa lớn” tâm đắc là phải làm lớn như thế, nhưng phải có một thị trường lúa gạo ổn định, không còn cảnh được mùa mất giá mới phát triển bền vững được.
Nhìn ra cả nước, nhất là miền Bắc, miền Trung, từ ngày có tổ đổi công, hợp tác xã, hợp rồi tan, đã mấy lần nông dân “khắc nhập khắc xuất” với đất đai, đến nay ruộng đồng vẫn manh mún như ngày chưa có “cải cách ruộng đất”, biết đến bao giờ mới làm ăn lớn được. Công nghiệp hoá sao được những thửa ruộng “bằng bàn tay”?
Lý Lão Làng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.