Nam sinh từng mê game và "bỏ" đại học, sau vài năm trở thành CEO nổi tiếng Việt Nam về khởi nghiệp

Tào Nga Thứ bảy, ngày 26/02/2022 13:06 PM (GMT+7)
Là CEO ở tuổi gần 30, ít ai biết rằng, Trung từng là một cậu học sinh "nướng" thời gian của mình vào các quán game và từng nghỉ học ở năm thứ 2 đại học để khởi nghiệp.
Bình luận 0

Khởi nghiệp từ niềm đam mê với game

Nguyễn Thành Trung, sinh năm 1992, khởi nghiệp với game Axie Infinity – game nuôi thú ảo có thể kiếm tiền. Tháng 5/2021, Trung và đội ngũ của mình đã gọi vốn thành công 7,5 triệu USD từ chương trình Shark Tank của Mỹ. Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, giá của đồng AXS thời điểm cao nhất ở mức 164,58 USD, nâng vốn hóa của dự án game Axie Infinity lên mốc 9,67 tỷ USD. Mới đây, Trung nằm trong đề cử top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021.

Là CEO ở tuổi gần 30, thành công không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế, thế nhưng Trung cho biết, bản thân cũng từng là một nam sinh mê game. 

Nam sinh từng mê game và "bỏ" đại học, sau vài năm trở thành CEO nổi tiếng Việt Nam về khởi nghiệp - Ảnh 1.

Nguyễn Thành Trung từng học Chuyên Toán Tin và Kỹ sư phần mềm máy tính. Ảnh: NVCC

Sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, năm cấp 3, Trung đỗ vào Chuyên Toán Tin, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, trong những năm học này, Trung dành không ít thời gian chơi game ngoài quán net. Chính sự chủ quan này đã khiến Trung có những lúc bị tụt lại so với các bạn trong lớp.

Khi đang học năm thứ 2 chuyên ngành Kỹ sư phần mềm máy tính tại Đại học FPT, Trung quyết định dừng việc học để khởi nghiệp mặc dù quyết định này đã vấp phải rất sự phản đối từ gia đình. Sau 2 năm, Trung quay lại trường học để làm nốt trách nhiệm cần phải hoàn thành, không chỉ đối với gia đình mà còn đối với bản thân. Tại đây, Trung vinh dự là đại diện Việt Nam tham gia vòng chung kết toàn cầu cuộc thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC được tổ chức ở Nga.

Năm 2017, sau khi hoàn thành chương trình đại học cũng là lúc ý tưởng về game Axie Infinity bắt đầu manh nha trong Trung. "Trước đây mình nghĩ về game như một lĩnh vực khá khó để bắt đầu khởi nghiệp. Lý do là vì những game studio khác, họ đã có lợi thế về nhân lực, có kinh nghiệm tích lũy trong quá trình phát hành các phiên bản game, và có sự kết nối trong cộng đồng làm game. Vì vậy để bắt đầu từ số 0 là rất khó. Tuy nhiên bản thân mình là người thích chơi game. Trong 1 lần vô tình chơi blockchain game đầu tiên, gọi là CryptoKitties, mình đã rất tò mò về việc nếu kết hợp game với công nghệ mới còn rất mới lạ thì sẽ có thể làm được những gì...", Trung kể lại.

Vậy là sau thời gian phát triển, Trung tự hào khi nhiều người chơi chưa có tài khoản ngân hàng vì ở vùng kém phát triển đã ngay lập tức có cho mình 1 ví điện tử và bắt đầu các thao tác. Ngoài ra ở Philippines, đây là 1 trò chơi điện tử nhưng lại tạo ra giá trị thật, giúp những người lao động ở Philippines bị mất việc và chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch có thể trang trải cuộc sống trong giai đoạn khó khăn.

Nam sinh từng mê game và "bỏ" đại học, sau vài năm trở thành CEO nổi tiếng Việt Nam về khởi nghiệp - Ảnh 2.

Với Trung, game là ngành giải trí có tính sáng tạo cao và có tiềm năng lớn để phát triển. Ảnh: NVCC

Một CEO cầu toàn

Được gọi là thành công ở tuổi gần 30, Trung bày tỏ quan điểm ít khi nhìn nhận sự việc theo hướng sai lầm hay thất bại. Nếu mọi việc không xảy ra theo như dự định, Trung sẽ coi đó như là một thử thách cần vượt qua, vấp ngã ở đâu thì đứng dậy đi tiếp từ chỗ đấy. Thời gian đầu, Trung cũng gặp trắc trở khi trở thành CEO nhưng với Trung đó lại cực kỳ đáng quý, hình thành nên con người Trung của ngày hôm nay và đem lại những kinh nghiệm trong việc xây dựng, quản trị doanh nghiệp.

"Mọi người hay biết đến mình là người cầu toàn và có yêu cầu rất cao đối với sản phẩm. Thời điểm ban đầu, chính những chuẩn mực và sự khắt khe như thế hình thành cho mọi người sự chỉn chu và cẩn trọng trong công việc. Thậm chí mọi người còn thúc đẩy qua lại để có thể làm tốt hơn. Hiện tại, khi nhân sự đã tăng lên rất nhiều so với trước đây, mình sẽ giao phó và tin tưởng, cho mọi người không gian để làm, thử và thất bại. Từ đó mọi người mới có thể tăng được chất lượng và chuẩn trong công việc", Trung chia sẻ.

Cuộc sống hiện tại của Trung có nhiều thay đổi, bận rộn hơn khi phải đi ra ngoài nhiều hơn, tham gia các sự kiện và chia sẻ nhiều hơn với mọi người, tuy nhiên, với Trung về cơ bản, gia đình và điều hành công ty vẫn là những điều cậu ưu tiên nhất.

Mặc dù mọi người nhắc đến game như một "tệ nạn" nhưng với Trung, game là ngành giải trí có tính sáng tạo cao và có tiềm năng lớn để phát triển. "Ngoài lợi ích về giải trí, game cũng mang lại những lợi ích về mặt trí tuệ, khi người chơi phải học hỏi, tiếp thu và vận dụng kiến thức trong quá trình chơi, làm cho các giác quan phản ứng nhanh nhạy và linh hoạt. Mình học được rất nhiều thứ từ game: tiếng Anh, phản xạ, kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề trong thời gian giới hạn, khả năng làm việc nhóm…

Thứ khiến việc chơi game xấu đi, là việc không thể kiểm soát hành vi của mình. Điều này xảy ra rất nhiều ở lứa tuổi học sinh sinh viên, độ tuổi có sự tò mò và nhu cầu giải trí lớn. Nhưng thay vì cấm đoán, biện pháp tốt hơn đó là có sự đồng hành và định hướng từ phía gia đình, nhà trường.

Bản thân mình cũng là người chơi game và từng chơi rất nhiều. Nhưng sau đó mình nhận ra việc chơi game quá lâu trong một thời gian dài sẽ dẫn đến những tác dụng ngược, và đã có những điều chỉnh nhất định. Hiện tại mình vẫn chơi game, một phần là để giải trí, và còn là để phát triển tư duy về sản phẩm và tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo", Trung chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem