Nấm Việt nam: Rộng đường xuất ngoại

Thứ hai, ngày 30/09/2013 06:41 AM (GMT+7)
Việc trồng nấm xuất khẩu đang mang lại lợi nhuận cao khi nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp tận dụng được những điều kiện tự nhiên thuận lợi và các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa, cùi bắp…
Bình luận 0
Lợi nhuận hấp dẫn

Được cấp chứng nhận VietGAP cuối năm 2012, các sản phẩm nấm linh chi, nấm bào ngư... của Công ty CP Công nghệ sinh học Nấm Việt (ấp Phú Bình, xã Phú Hòa Đông, Củ Chi, TP.HCM) đang được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài ưa chuộng.

Bà Lê Hà Mộng Ngọc - Giám đốc Nấm Việt cho biết, nấm là sản phẩm nông nghiệp khó tính, nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường sống, tuy nhiên nó cũng là sản phẩm mang lại lợi nhuận cao.

Theo đó, để đầu tư một nhà lồng diện tích 100m2 (có thể trồng được 6.000 phôi nấm) cần từ 40–80 triệu đồng. Phôi nấm sau khi đưa vào nhà lồng chăm sóc 1 tháng sẽ cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài 3 tháng, sản lượng nấm thành phẩm dao động quanh mức 300g/phôi.

Sản phẩm của Nấm Việt đang dần mở rộng thị trường tiêu thụ ra các nước lân cận.
Sản phẩm của Nấm Việt đang dần mở rộng thị trường tiêu thụ ra các nước lân cận.

Với giá bán từ 30.000 – 35.000 đồng/kg như hiện nay, người trồng nấm có thể thu lời từ 10.000 – 15.000 đồng/kg nấm. Ngoài ra, việc sản xuất phôi nấm sạch, đảm bảo tiêu chuẩn cung cấp cho thị trường cũng giúp mang lại nguồn thu lớn cho nhà sản xuất.

Ông Nguyễn Trọng Tấn ở xã Suối Nho (Định Quán, Đồng Nai) cũng cho biết, trước đây gia đình ông với 5 người trồng lúa nhưng vẫn thiếu thốn. Từ khi chuyển sang trồng các loại nấm rơm, sò, mộc nhĩ… kinh tế gia đình khấm khá hơn, lợi nhuận gấp đôi so với trồng lúa.

Mô hình trồng nấm xuất khẩu cũng đang được Trung tâm Khuyến nông các tỉnh vùng ĐBSCL khuyến khích phát triển, bằng cách hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con nông dân. Với 1.000 bịch phôi nấm bào ngư, bà con nông dân có thể thu được 0,5 tấn sản phẩm, đạt gần 10 triệu đồng mỗi vụ.

Rộng đường xuất khẩu

Nấm được xem là sản phẩm sạch do không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích. Nấm giàu dinh dưỡng lại có công dụng chữa một số bệnh, nấm linh chi, nấm bào ngư ngày càng được thị trường trong nước và thế giới ưa chuộng, tin dùng.

Ông Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, giá xuất khẩu nấm rơm muối của Việt Nam tăng đều trong những năm qua, từ 1.800USD/tấn (năm 2011) tăng lên 2.000USD (2012) và đạt mức gần 2.500USD/tấn những tháng đầu năm 2013.

Bà Lê Hà Mộng Ngọc cho biết, để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, nấm linh chi, bào ngư của Nấm Việt được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, nhà lồng trồng nấm phải tách biệt với các khu nuôi trồng khác để không bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu, chất độc hóa học từ môi trường cũng như để kiểm soát các vi sinh vật gây hại.

Hiện tại, mỗi tháng Nấm Việt xuất khẩu 100-200kg nấm linh chi đỏ VietGAP qua Lào, Thái Lan với giá 1,5-2 triệu đồng/kg. Doanh nghiệp đang nghiên cứu, cho ra dòng sản phẩm trà túi lọc, nước cốt từ nấm linh chi đỏ để đưa sang 2 thị trường này.

Còn theo báo cáo của Cục Trồng trọt, mỗi năm cả nước sản xuất được khoảng 250.000 tấn nấm các loại. Số lượng này vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng phát triển nấm hiện có tại các địa phương.

Hơn nữa, việc trồng nấm hiện còn nhỏ, lẻ, phân tán nên việc thu gom số lượng lớn nấm đạt chất lượng cho xuất khẩu là rất khó.

“Một kg nấm linh chi tươi trong nước có giá từ 300.000 – 500.000 đồng nhưng sau khi sơ chế, đóng gói, doanh nghiệp có thể bán được với giá trên 1 triệu đồng. Nếu xuất khẩu sang các nước lân cận như Lào, Trung Quốc, giá còn có thể đội lên nữa”, ông Nguyễn Trường Sơn– chủ một doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu rau quả tại Đồng Tháp cho biết.

Khải Huyền (Khải Huyền)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem