Nạn nhân dự khuyết

Thứ hai, ngày 10/06/2013 12:46 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chỉ 5 tháng đầu năm, đã có hơn 4.000 người chết vì tai nạn giao thông, chưa kể hàng ngàn người bị thương tật. Con số này làm hoảng sợ cả thế giới, bởi vì ngay cả các cuộc chiến tranh gần đây, bom đạn tơi bời, cũng không nhiều người tử nạn như vậy.
Bình luận 0

Hai vụ tai nạn mới nhất đã cướp đi sinh mạng của những người còn rất trẻ, đang trong tuổi cống hiến. Họ ra đi, để lại nỗi đau tột cùng cho gia đình, người thân. Hậu quả không chỉ là nỗi đau, mà những đứa con của họ mịt mù tương lai. Điều đáng sợ của tai nạn giao thông còn là để lại hàng nghìn người tàn tật, chấn thương sọ não, trở thành gánh nặng cho cả xã hội.

Nhắc lại điều ai cũng biết đó nhưng thiết nghĩ cũng không thừa. Cũng như bao cảnh báo và tuyên truyền về quốc nạn này, nhưng dường như ai cũng bỏ ngoài tai. Có lẽ ai cũng nghĩ rằng, tai nạn giao thông sẽ chừa mình ra. Những dòng tin tai nạn giao thông rát bỏng trên các trang báo hình như không còn gây chú ý nhiều nữa, bởi vì nó quá nhiều, nhiều đến quen thuộc, nhàm chán, lạnh lùng. Ngay cả với những người có trách nhiệm, nỗi lo toan cho dân về sự chết chóc đáng sợ này, dường như cũng chưa thấm vào đâu.

Nói như vậy vì những chỉ đạo, quyết định từ Trung ương đến địa phương không thể hiện và phát huy trong thực tế. Chủ tịch tỉnh, thành có tai nạn giao thông xảy ra nhiều bị phê bình rồi sau đó sẽ là gì? Chẳng là gì hơn một lời phê bình, vậy thì phê bình không có ý nghĩa gì để tính trách nhiệm được phát huy. Một đất nước có người chết vì tai nạn giao thông vào loại nhất thế giới, nhưng không có bất cứ quan chức nào bị cách chức hay từ chức vì để xảy ra tai nạn thảm khốc. Lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm của quan chức ở đâu? Người dân không tin vào những bài phát biểu sáo rỗng mà chỉ tin vào những bàn tay thu xếp, tổ chức giao thông văn minh, hiện đại và an toàn.

Đã đến lúc bên cạnh biện pháp tuyên truyền, cần phải có chế độ quy và chịu trách nhiệm cụ thể, nếu không thì dân còn tiếp tục chết vì tai nạn giao thông. Với số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông như hiện nay, mỗi người dân Việt Nam đều là một nạn nhân dự khuyết. Làm quan chức quản lý ngành giao thông cũng như chịu trách nhiệm liên quan, để cho dân chết và chịu nhiều đau thương vì tai nạn giao thông như vậy liệu có xứng đáng? Câu hỏi này đặt ra khẩn thiết, không phải trả lời bằng khẩu hiệu mà bằng hành động, bằng trách nhiệm cá nhân, bằng cái ghế của từng quan chức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem