Em không phải dậy từ 4 giờ sáng nữa…
Dưới cái lạnh buốt trời mùa đông này, em Hà Ngân Thêu-học sinh lớp 11A2, ở xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, Thanh Hóa đã có chỗ ở ổn định để yên tâm học tập tại ngôi nhà bán trú khang trang. Thêu phấn khởi cho biết, nhà em cách trường 20km, do đường đi chủ yếu là đường mòn qua núi nên hàng ngày Thêu phải dậy từ 4 giờ sáng, 5 giờ bắt đầu đi học. Mỗi ngày em mất khoảng 2,5 tiếng đồng hồ đến trường. “Em rất sợ mùa đông vì phải lội qua suối rất lạnh và trời rất tối nhưng giờ được ở nội trú trong trường rồi, em sẽ không phải dậy từ 4 giờ sáng nữa”- Thêu nói.
|
Học sinh Trường THPT Lũng Vân trong ngày lễ khai giảng 5.9.2012 và cắt băng khánh thành nhà ở nội trú. |
Không chỉ có Hà Ngân Thêu, rất nhiều học sinh Trường THPT Lũng Vân phải đi học nhà xa đều mơ ước được ở nội trú tại trường. Cô Ngô Thị Hương - giáo viên Trường THPT Lũng Vân kể lại câu chuyện lúc mới vào nghề. Lớp cô chủ nhiệm có 1 học sinh ở huyện Bá Thước, Thanh Hóa, cách trường 20km. Do nhà xa, em phải ở trọ nhà dân để học. Nhà hộ dân đó hẹp lại đông con nên học sinh phải ở trong chiếc chuồng nuôi lợn bỏ hoang của gia đình. Cô Hương vẫn nhớ như in hình ảnh chiếc máng cho lợn ăn nằm ngay phía dưới chiếc bàn học ọp ẹp của cậu học trò, điều mà cô không thể quên trong những ngày lên lớp.
Nhân dịp năm học mới 2012 -2013, BIDV cũng đã trao tặng 20 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho các em học sinh vượt khó học giỏi của Trường Lũng Vân.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, Tân Lạc là một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình với hơn 60% dân số là hộ nghèo. Trong các dự án xóa đói giảm nghèo của tỉnh Hòa Bình, Tân Lạc cũng luôn có tên trong danh sách các địa phương thực hiện.
Theo thầy Nguyễn Anh Tu - Hiệu trưởng Trường THPT Lũng Vân, trường có 273 học sinh, trong đó tất cả đều là người dân tộc Mường, Thái, thuộc địa bàn 5 xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc gồm Lũng Vân, Nam Sơn, Bắc Sơn, Quyết Chiến, Ngổ Luông. Ngoài ra còn có học sinh ở 2 tỉnh Thanh Hóa và Sơn La giáp ranh cũng sang học.
Là huyện nghèo, đường giao thông liên bản, liên xã ở Tân Lạc rất khó khăn. Thầy Tú cho biết hơn 2/3 số học sinh ở cách trường từ 7-15km, nhiều học sinh cách trường 20km. Đường đến trường chủ yếu là đường mòn qua núi có độ dốc cao, nhiều suối ngăn cách, mùa mưa lũ bị chia cắt. “Học sinh chỉ có thể đi bộ chứ không thể đi xe đạp nên nhiều em phải trọ nhà dân.
Giảm tỷ lệ học sinh bỏ học
Trước những khó khăn mà thầy trò Trường THPT Lũng Vân gặp phải, BIDV đã khảo sát và quyết định đầu tư xây dựng nhà bán trú cho học sinh của trường với vốn đầu tư trị giá 2,3 tỷ đồng. Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 12.2011. Tháng 8.2012, công trình đã được đưa vào sử dụng ngay trước thềm năm học mới với tòa nhà bán trú 2 tầng với 12 phòng, được trang bị đầy đủ hệ thống điện nước, giường nằm, công trình phụ khép kín, có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập cho 100 học sinh (khoảng 30% số học sinh toàn trường).
Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Anh Tú, khu nhà bán trú cho học sinh là niềm mơ ước từ lâu của thầy trò. Nay khu nhà đã được xây dựng, học sinh nhà trường sẽ không phải trọ nhà dân, không phải dậy sớm đến trường, mùa mưa lũ hay mùa đông cũng không phải lo ngại cho sự an toàn của các em khi đến trường. Chúng tôi tin tưởng rằng, sau khi công trình đưa vào hoạt động, sẽ tạo ra tâm lý yên tâm, ổn định cho học sinh và cả phụ huynh. Nhờ đó số lượng học sinh bỏ học sẽ giảm, chất lượng giáo dục cũng sẽ được nâng lên.
Ông Quách Hùng Hiệp- Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, BIDV sẽ tập trung cao cho việc đầu tư các công trình phục vụ giáo dục ở các huyện nghèo, giúp học sinh nghèo vươn lên trong học tập. BIDV luôn hy vọng, từ những mái trường do BIDV đầu tư sẽ có những nhân tài đứng trong đội ngũ nhân viên nòng cốt của BIDV.
Xuân Hoài
Vui lòng nhập nội dung bình luận.