Nâng cao chất lượng đàn trâu, bò bằng kỹ thuật mới

Hồng Vũ (Trang Trại Việt) Thứ sáu, ngày 01/01/2016 07:30 AM (GMT+7)
Vừa qua, tại tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức hội thảo sơ kết dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt trong nông hộ” và dự án “Chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ”.
Bình luận 0

Giống tốt cho sản phẩm tốt

TS.Nguyễn Thị Hải (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết: “Mục tiêu của dự án là hỗ trợ người dân cải tạo giống vật nuôi, nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò, cùng với đó là thực hiện các biện pháp thú y tiên tiến. Sau này, chúng ta không còn khái niệm bò cái là bò di cóc nữa, bà con sẽ có những đàn bò được cải tạo là bò lai Sind, bò Droughtmaste, bò BBB siêu thịt hiệu quả, cho thu nhập cao hơn”.

Dự án đã sử dụng tinh bò đực thuộc nhóm Zebu, Droughtmaste và BBB với quy mô 3.000 bò cái. Giống bò cái nền để lựa chọn thụ tinh nhân tạo có trọng lượng bình quân 230,9 kg/con và đã tạo ra khoảng 2.000 con bê lai, trọng lượng bê sơ sinh trung bình đạt 23,54 kg/con; mỗi bò lai có giá trị cao hơn bò nội khoảng 3 triệu đồng/con.

img

Bà Hải cũng cho biết thêm, trong chăn nuôi, chất lượng gen là yếu tố quan trọng nhưng vẫn chưa đủ, mà cần có một quá trình chăm sóc vỗ béo theo đúng kỹ thuật mới có thể cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Do đó, khi triển khai dự án vỗ béo cho đàn bò, cán bộ kỹ thuật đã đến khảo sát từng hộ, đo khối lượng, xác định độ tuổi bò, giống từ đó phân loại. Đối với vỗ béo bò thịt, dự án đã lựa chọn được 1.074 con. Trong suốt thời gian vỗ béo, bà con chăn nuôi được hướng dẫn 6 công thức phối trộn thức ăn vỗ béo cho bò, tận dụng được các loại nguyên liệu sẵn có ở địa phương, đồng thời được hướng dẫn đo khối lượng hàng tháng để theo dõi mức tăng trọng của bò.

Qua so sánh khả năng tăng trọng của đàn bò trong mô hình so với đàn bò cùng thời điểm, cho thấy bò trong mô hình có khả năng tăng trọng cao hơn 332,33g/con/ngày. Hiệu quả từ mô hình bò vỗ béo cũng cho thu nhập cao hơn so với ngoài mô hình từ 3,5-5 triệu đồng/con.

Nói về dự án chăn nuôi trâu sinh sản, Ths. Hoàng Văn Định (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cũng chia sẻ, dự án đã lựa chọn rất kỹ giống trâu bố mẹ để kết hợp cho ra thế hệ con lai có khả năng sinh trưởng, tăng trọng nhanh. Kết quả của dự án cho thấy, nghé sơ sinh đạt trọng lượng trên 22kg/con, đây cũng là cơ sở góp phần cải tạo tầm vóc đàn trâu địa phương.

Gia đình bà Nguyễn Thị Chuyển – thôn Đông Hồ, xã Thượng Đình, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) - một trong những hộ tham gia dự án nâng cao chất lượng đàn bò của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vui mừng nói: “Tham gia mô hình, gia đình tôi đã được hỗ trợ tinh trùng bò giống. Qua thực tế chăm sóc, tôi thấy bò BBB tốt hơn giống cũ rất nhiều, vừa có ngoại hình đẹp hơn, vừa to hơn, lớn nhanh hơn. Bê sau 1 năm tuổi tôi bán với giá 10-12 triệu đồng/con, bò lai giá từ 16-18 triệu đồng/con”.

Ông Phạm Gia Huỳnh – Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi Thái Nguyên cho hay: “Huyện Phú Bình (Thái Nguyên) là huyện tiêu biểu đã tiến hành cải tạo đàn bò trong nhiều năm, trong đó đàn bò lai Zebu chiếm tỷ lệ gần 45% quy mô đàn. Phần lớn bà con đều thấy rõ hiệu quả khi thực hiện thụ tinh nhân tạo trên bò cho ra bê con có ngoại hình đẹp, tăng trọng nhanh và đều có ý định giữ lại con giống đẹp để lai tạo bò thế hệ sau. Cũng từ khi có dự án, Phú Bình trở thành nơi cung cấp giống trâu bò tốt đi các nơi”.

Nâng cao trình độ kỹ thuật viên

Ông Dương Quốc Hùng – Chủ tịch UBND xã Thượng Đình, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) cho hay: “Xã đang phấn đấu tập trung tuyên truyền bà con thực hiện phối tinh nhân tạo cho bò, tuy nhiên đội ngũ dẫn tinh viên trong xã vẫn còn ít người, hộ chăn nuôi thì không có kỹ thuật nên vẫn còn gặp không ít khó khăn khi chưa phát hiện đúng thời điểm phát dục của con nái, dẫn đến tỷ lệ thụ tinh nhân tạo thành công cho bò nái lai Sind còn hạn chế”.

Ông Phạm Gia Huỳnh – Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi Thái Nguyên cho biết thêm, về lâu dài, tỉnh Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi để nâng cao năng suất và chất lượng đàn trâu bò. Để làm tốt công tác này, tỉnh sẽ kết hợp giữa kỹ thuật chăn nuôi nông hộ và nâng cao tay nghề của cán bộ thụ tinh trong chăn nuôi.

img

Ông Phan Huy Thông phát biểu tại hội thảo sơ kết dự án khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi tại Thái Nguyên

Phát biểu tại hội thảo, T.S Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: “Hiện nay người chăn nuôi ở các địa phương bước đầu đã nhận thức được vai trò của giống, giá trị của giống trong việc nâng cao năng suất, chất lượng thịt đàn gia súc. Cơ hội đang mở ra để họ được tiếp cận với các giống bò chất lượng tốt nhất thế giới, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Trong đó, phát triển bò lai F1 BBB là cơ sở để thay đổi nhận thức, tư duy trong chăn nuôi bò thịt, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của nông dân. Đây là những mô hình cần nhân rộng trong toàn quốc, tuy nhiên quá trình triển khai cần tập huấn kỹ thuật cho bà con, để họ chăn nuôi hiệu quả, cũng như lai tạo giống bò này thành công”.

img

Toàn cảnh hội nghị

“Mỗi địa phương cũng phải tăng cường thêm đội ngũ cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm về chuyên môn đóng vai trò như cán bộ khuyến nông, bác sĩ thú y để hỗ trợ kịp thời cho hộ chăn nuôi trong quá trình phối giống cho trâu bò, vỗ béo cũng như phòng dịch bệnh. Không thể để đến lúc trâu bò cần đi phối giống mà người chăn nuôi không tìm được cán bộ kỹ thuật, làm chậm quá trình phối giống, giảm hiệu quả chăn nuôi” – ông Thông nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem