Nắng nóng khủng khiếp, kẻ thù của da sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian này

Diệu Thu - Hoàn Như Thứ ba, ngày 09/06/2020 09:55 AM (GMT+7)
Bác sĩ da liễu cảnh báo, tia tử ngoại UV có thể làm tổn thương ADN, dần dần có thể gây ung thư da.
Bình luận 0

Hôm nay 9/6, các tỉnh Bắc Bộ và nhiều tỉnh khu vực miền Trung tiếp tục nắng nóng, có nơi nhiệt độ lên tới trên 39 độ C.

BS Đặng Bích Diệp, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, nắng nóng kéo dài trong mấy ngày vừa qua khiến tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lý về da đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương có phần đông hơn trước, trong đó, số ca đến khám vì hiện tượng cháy nắng chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tổn thương da của những bệnh nhân này là do làn da chịu tác động trực tiếp bởi ánh nắng mặt trời cường độ cao trong thời gian dài.

img

BS Đặng Bích Diệp, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Nhiều trường hợp bị cháy nắng, chủ yếu là những công nhân phải làm việc ngoài trời trong giai đoạn nắng nóng cao điểm. Người bệnh đến khám chủ yếu mắc các triệu chứng da bị đau rát, có cảm giác ấm/nóng khi chạm vào; Vùng da hở xuất hiện mảng đỏ hoặc hồng. Có người có hiện tượng bong da và nặng hơn là lột da.

Theo BS Bích Diệp, tia UV trong ánh nắng mặt trời là nhân tố chính tấn công và gây tổn thương đến làn da như gây lão hóa da, làm tổn thương tế bào trên các lớp da, gây khô da, tăng sắc tố, bỏng da, làm hư hại lớp đệm là sợi collagen. Tia tử ngoại UV có thể làm tổn thương ADN, dần dần sinh ung thư da.

Dựa trên chỉ số UV, nguy cơ gây hại cho da từ tia cực tím sẽ được xếp vào các cấp độ từ thấp đến cực cao. Ở thể cấp tính, tia UV sẽ gây ra các hiện tượng cháy nắng, bỏng nắng, say nắng. Với trường hợp tiếp xúc ánh nắng kéo dài sẽ gây ra các bệnh mãn tính như rám má, sạm da, tổn thương lão hóa da, nguy hiểm hơn là ung thư da.

BS Diệp khuyến cáo, thời điểm chỉ số UV đạt đỉnh trong ngày là từ 10 giờ - 14 giờ. Vì thế, người dân nên hạn chế ra đường vào thời điểm ánh nắng sẽ gây nguy hiểm nhất cho làn da. Ở các khu vực biển, mặt nước sẽ bức xạ ánh sáng mặt trời nên chỉ số UV sẽ cao hơn nhiều so với các khu vực khác. Những người có tiền sử ung thư da thì làn da sẽ nhạy cảm với tia UV hơn nên cần cảnh giác và có biện pháp phòng hộ kỹ lưỡng hơn so với khuyến nghị chung.

Theo BS Diệp, da bị cháy nắng thường mất vài ngày và thậm chí là vài tuần để có thể hồi phục. Cũng có những người tổn thương da nặng có thể gặp những biến chứng khác. Vì vậy, khi bị cháy nắng tuyệt đối không được chủ quan, mà cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ đánh giá mức độ và có biện pháp điều trị kịp thời.

Với các biện pháp chống nắng, chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng khẩu trang dầy đồng thời kết hợp với kính, mũ, găng tay, quần áo chống nắng vì theo các nghiên cứu, nếu bảo vệ làn da bằng khẩu trang dầy, đúng quy cách sẽ ngăn được phần lớn tia UV.

Bác sĩ da liễu cũng khuyên bạn nên bôi trực tiếp kem chống nắng lên da mặt và nên lựa chọn loại kem phù hợp vùng da, loại da. Trước khi ra nắng 20 phút, cần bôi kem chống nắng ở các vùng da cần được bảo vệ. Ngoài chăm sóc da mặt kỹ lưỡng, nếu có điều kiện, bạn cũng nên bôi kem chống nắng cho cả vùng tay, chân.

Các khuyến cáo được chỉ ra là bôi đủ số lần trong ngày (2-3 giờ/lần), tránh suy nghĩ chỉ bôi một lần/ngày là đủ; chọn loại có chỉ số chống nắng phù hợp với làn da.

Cụ thể, khi ra ngoài trời, tiếp xúc ánh nắng cường độ cao, nên chọn chỉ số SPF cao. Chẳng hạn khi đi biển mùa hè dùng kem chống nắng chỉ số SPF 50 . Chỉ số chống nắng càng cao thì thời gian da được bảo vệ càng lâu.

Trường hợp làm việc trong môi trường không bị nắng chiếu trực tiếp thì chỉ cần sử dụng sản phẩm có chỉ số SPF thấp hơn.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem